Cập nhật: 25/07/2018 10:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau Hà Giang, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện có sai phạm ở khâu chấm thi tại tỉnh Sơn La. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn yêu cầu rà soát khâu coi thi, chấm thi trên toàn quốc.

Nhiều ý kiến phản biện đã được nêu ra về kỳ thi “hai trong một” cũng như hình thức thi trắc nghiệm. Ảnh: NAM ANH

Bất cập đã thấy rõ!

Năm 2018 là năm thứ tư Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Theo đó, các địa phương và các trường ĐH-CĐ cùng tổ chức thi. Điều này được đa số dư luận đồng tình vì giảm được chi phí đi lại cho người dân cũng như học sinh có tâm trạng thoải mái khi bước vào phòng thi làm bài đạt kết quả tốt. Từ năm 2017, Bộ bắt đầu tổ chức thi trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn.

Nhiều ý kiến phản biện đã được nêu ra về kỳ thi “hai trong một” cũng như hình thức thi trắc ngiệm. GS Phạm Tất Dong chỉ rõ nguyên nhân cơ bản dẫn đến sai phạm nâng điểm thi chính là do tổ chức kỳ thi “hai trong một”. Theo ông, nói là thi tốt nghiệp THPT nhưng thực chất là thi ĐH, người ta “chạy” nâng điểm để được vào học các trường ĐH top đầu. Bên cạnh đó, việc ra được một đề thi thỏa mãn hai mục tiêu là rất khó. Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng từ 95% trở lên, vậy có nên tổ chức kỳ thi này chỉ để phân loại dưới 5% học sinh yếu? Vì thế, GS Dong đề nghị học cấp nào thi cấp nấy, nghĩa là tách kỳ thi tốt nghiệp ra để các trường THPT xét công nhận và thi ĐH nên giao cho các trường ĐH chủ trì.

GS, VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: Trắc nghiệm là hình thức thi mới được Bộ GD&ĐT áp dụng kinh nghiệm nước ngoài và Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Ở các nước, thí sinh (TS) ngồi làm bài thi trên máy tính, máy sẽ tự động cấu tạo đề ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi. Khi TS làm bài xong, kết thúc thi là có điểm luôn. Như vậy, khâu coi thi và chấm thi hoàn toàn được kiểm soát và chắc chắn tiêu cực không xảy ra. Còn ở ta, Bộ GD&ĐT áp dụng thi trắc nghiệm, nhưng mới chỉ làm được vài chục mã đề thi, đề thi không phải ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, vì TS thi bài trắc nghiệm trên giấy, thi xong, giám thị vẫn thu bài, rồi chuyển về hội đồng chấm thi - đó là cả thời gian rất dài, có thể can thiệp vào.

Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) nhận xét: Thời thi tự luận, tiêu cực sửa bài thi là rất khó. Đơn giản vì có dọc phách. Nếu dồn túi hai lần thì không tài nào biết bài nào của ai mà sửa bài thi. Còn nay thi trắc nghiệm thì phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách, nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của ai và tìm ra phiếu của thí sinh A, B, C nào đấy để can thiệp như cách ông Vũ Trọng Lương đã làm ở Hà Giang.

Mặc dù, có thêm cán bộ coi thi từ các trường ĐH về địa phương tham gia tổ chức thi. Tuy nhiên, còn nhiều khâu là do cán bộ địa phương chủ động làm hết nên cơ hội tiêu cực càng có điều kiện. Người cùng địa phương, làm tại địa phương kiểu gì cũng có những mối quan hệ riêng tư. Độ tin cậy kết quả kỳ thi đương nhiên có phần suy giảm nếu không muốn nói là không thể tin được.

Nhiều giáo viên THPT cũng đã chỉ ra những bất cập trong kỳ thi như: Trước tiên là nó tạo cho thầy trò hình thành một thói quen học để thi, điểm số cao và hệ lụy là từ phương pháp dạy, học và thi bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Người học cố gắng tích lũy được nhiều dữ liệu để làm được bài thi và luyện thi là giải pháp tốt để người học giải được bài thi. Đến khi thi xong một thời gian, kiến thức lại là con số không. Hay nói cách khác là học sinh chỉ nhớ máy móc theo các dạng khuôn mẫu, học thuộc lòng mà không có tư duy. Rồi tệ nạn học thêm, dạy thêm và luyện thi phát triển mạnh.

Học sinh học không khác gì người thợ tập luyện, làm đi làm lại nhiều lần cho một số mẫu đề thi để tăng tốc độ xử lý và khi cho một đề thi khác mẫu là gặp khó khăn. Với thực tế như thế, không nên kỳ vọng quá mức vào việc thay đổi bài thi để giáo dục chuyển hướng từ học gạo sang phát triển năng lực được.

Năm 2018 là năm thứ tư Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Ảnh: SONG ANH

Đi chệch hướng?

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Kiểu thi hiện nay biến học sinh thành những bộ máy ghi nhớ. Học sinh cũng như giáo viên bị áp lực phải chạy theo thi cử, luyện thi ngày đêm... chứ không phải mục tiêu học để phát triển năng lực, để thành người. Trong đó, nguyên nhân chính là do Bộ chưa sát thực tế của giáo dục phổ thông. Điều này bộc lộ rõ nhất ở các kỳ thi THPT Quốc gia”.

Một chuyên gia cho rằng, cách ra đề thi của Bộ đã tạo ra một cuộc đua khốc liệt cho giáo dục Việt Nam. Nhưng trong cuộc đua đó, mọi thứ đều mơ hồ, giáo viên hoang mang, học sinh hoảng loạn, phụ huynh mất niềm tin. Đáng lo là chương trình - sách giáo khoa có hay đến mấy thì vẫn phụ thuộc vào năng lực và thái độ của giáo viên.

Có thể nói, phát triển năng lực là câu chuyện của cả quá trình giáo dục, chứ không phải của riêng chuyện thi cử. Thi cử chỉ là ngọn. Gốc rễ không thay đổi, thì dù ngọn có thay đổi bao nhiêu đi chăng nữa, chất lượng giáo dục vẫn không thay đổi. Cho đến nay, thi cử vẫn nặng về đánh giá việc ghi nhớ thông tin và kiến thức, tức chỉ tập trung kiểm tra xem học sinh biết gì. Còn năng lực, là câu chuyện làm gì với những điều mình biết.

Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, muốn đổi mới giáo dục thì trước tiên lãnh đạo Bộ GD&ĐT phải thay đổi tư duy, nhận thức, thấm nhuần tư tưởng Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục để hiểu rõ mục tiêu đào tạo của giáo dục phổ thông là gì? “Trước hết phải thay đổi thi cử, phải bám sát mục tiêu phát triển nhân cách, năng lực chứ không phải biến học sinh thành thư viện. Học sinh không phải là bồ kiến thức, là máy luyện thi.

Cần nhận thức rõ trong Nghị quyết 29 mục tiêu giáo dục phổ thông là học để phát triển năng lực tư duy, để thành người chứ không chỉ để thi cử lấy bằng cấp”, thầy Hòa nhấn mạnh.

Khi chưa tìm ra được giải pháp đổi mới thi cử tối ưu, ông Quách Tuấn Ngọc, đề xuất giải pháp để có thể tổ chức kỳ thi “hai trong một” bảo đảm khách quan: “Sau khi thi xong (rọc phách nếu có thì càng tốt) và quét ảnh xong thì truyền file về Bộ GD&ĐT ngay lập tức, và nếu Bộ GD&ĐT cũng chấm độc lập trên file ảnh này (CD1) là tốt nhất. Những trường hợp lỗi khi kiểm dò thì xử lý sau. Hoặc nên tổ chức chấm theo cụm (theo vùng miền) do trường ĐH chủ trì. Nghĩa là sau khi thi xong thì niêm phong ngay túi bài thi, chuyển về chấm theo cụm. Nếu các trường ĐH chấm thi, chắc chắn gian lận sẽ giảm đi nhiều!”.

Ông Ngọc nhớ lại, sau mỗi kỳ thi, Cục Công nghệ Thông tin thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ điểm thi Việt Nam và về nguyên lý, nhóm xếp hạng theo mầu là rất ít thay đổi. Top 10 chủ yếu là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đứng vị trí nhất thường xuyên là Hà Nội (thời chưa sáp nhập Hà Tây), Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc; TP Hồ Chí Minh sau mấy năm “ba chung” mới vào top 10. Nhưng từ ngày thi “hai trong một”, thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Nhiều tỉnh ngày xưa sơn đỏ (tức điểm thấp), nay nhảy lên “sánh vai” với top 10, được thể hiện bằng mầu xanh trên bản đồ. 

Theo AN NHƯ/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm