Vắc-xin là an toàn. Tuy nhiên, cũng giống như các loại thuốc, trong quá trình tiêm chủng, mỗi cơ thể phản ứng với vắc-xin khác nhau cho nên có người sau tiêm chủng thường bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, một số rất ít có thể bị phản ứng nặng hơn.
Trước khi tiêm vắc-xin, trẻ em cần được khám sàng lọc, để hạn chế tới mức thấp nhất các phản ứng sau tiêm.
Tác dụng của vắc-xin là kích thích hệ thống miễn dịch của người được tiêm chủng để tạo ra miễn dịch chủ động phòng bệnh. Hầu hết phản ứng thông thường như sốt có thể là một phần của đáp ứng miễn dịch khi tiêm chủng vắc-xin, tỷ lệ phản ứng và thời gian xuất hiện phản ứng của mỗi vắc-xin là khác nhau.
Thực tế, có trường hợp cùng một lô vắc-xin, thậm chí tiêm cùng một lọ vắc-xin nhưng có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, có trẻ bình thường, đó là do cơ địa mỗi người chứ không phải do chất lượng vắc-xin. Phản ứng sau tiêm chủng theo định nghĩa là “bất kỳ sự kiện sức khỏe bất thường nào xảy ra sau tiêm chủng có thể liên quan đến tiêm chủng hoặc không liên quan đến tiêm chủng”. Có nhiều nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng, nó được phân loại như sau:
Do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác: Ðây là nguyên nhân hay gặp, bởi vì khác với thuốc chữa bệnh dùng đơn lẻ cho từng người bệnh thì vắc-xin trong TCMR được dùng hàng loạt cho rất đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ em. Giai đoạn này, trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay mắc các bệnh bẩm sinh, là nguyên nhân chính gây ra tử vong thì lại trùng với thời điểm tiêm vắc-xin.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới năm tuổi. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường và tử vong sau tiêm chủng rất dễ bị quy kết là do tiêm chủng.
Do phản ứng quá mẫn của cá thể đối với vắc-xin: Một số rất ít người có phản ứng quá mẫn rất mạnh với một thành phần nào đó của vắc-xin dẫn đến sốc phản vệ mà không phải là do chất lượng của vắc-xin. Ðây là trường hợp rất hiếm gặp nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến chết người.
Do chất lượng vắc-xin không đạt yêu cầu: Nếu do vắc-xin không bảo đảm chất lượng thì có đặc điểm là các tai biến xảy ra hàng loạt, cùng một lúc với cùng một loại vắc-xin, cùng một lô vắc-xin. Nguyên nhân này là hiếm gặp vì tất cả các lô vắc-xin trước khi được cấp phép lưu hành đều phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt.
Do sai sót trong thực hành tiêm chủng: Ðây là nguyên nhân do sai sót của cán bộ tiêm chủng trong quá trình bảo quản, vận chuyển vắc-xin không đúng, tiêm sai chỉ định, tiêm sai liều lượng, tiêm sai đường dùng, tiêm nhầm thuốc. Các sai sót do thực hành tiêm chủng có thể gây tai biến cho trẻ như tăng phản ứng tại chỗ, áp xe tại vị trí tiêm nhưng khó dẫn đến tử vong trừ tiêm nhầm vắc-xin với một loại thuốc nào đó có thể gây chết người.
Không rõ nguyên nhân: Rất nhiều trường hợp tử vong mặc dù được điều tra rất kỹ lưỡng, khách quan, khoa học nhưng vẫn không thể xác định được nguyên nhân vì không có được đầy đủ các thông tin cần thiết. Trong trường hợp này tử vong được xếp vào nhóm không rõ nguyên nhân.
Mặc dù các phản ứng sau tiêm chủng xảy ra là điều khó tránh khỏi nhưng lợi ích to lớn của vắc-xin đem lại là lớn hơn gấp nhiều lần so với những rủi ro của tiêm chủng. Mục đích của tiêm chủng là phải bảo vệ toàn thể cộng đồng, cho nên nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát gây nguy hiểm cho toàn xã hội.
Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cũng cần được hướng dẫn những kiến thức khi đưa con đi tiêm chủng và cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng: mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi mang con đi tiêm chủng; chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc-xin trong lần tiêm chủng trước.
Sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm và tiếp tục theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ, chú ý đến trẻ nhiều hơn, cho bú hoặc uống nhiều nước hơn, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm, có thể cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Ðưa trẻ đến cơ sở y tế nếu phản ứng kéo dài hơn một ngày, trẻ sốt cao, co giật hay có biểu hiện bất thường như quấy khóc kéo dài, bỏ bú, tím tái, khó thở... Sự phối hợp của bà mẹ là rất quan trọng trong quá trình bảo đảm tiêm chủng an toàn.
Theo THỤY VÂN/nhandan.com.vn