Cập nhật: 28/07/2018 09:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc khám, kê đơn thuốc tại tuyến y tế cơ sở còn nhiều bất cập, hạn mức chi của quỹ BHYT cho tuyến này còn thấp khiến người dân chưa mặn mà KCB.

Trạm y tế thưa thớt người đến khám

Tại Trạm y tế phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngồi cả buổi chiều chúng tôi mới gặp 2 bệnh nhân đến khám, nhờ bác sĩ tư vấn cách sử dụng thuốc. Bà Trương Thị Dịu (65 tuổi ở phường Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị huyết áp cao nên thường xuyên phải kiểm tra. Thấy huyết áp không ổn, bà Dịu đến Trạm y tế phường để khám và nghe các bác sỹ ở trạm tư vấn dùng thuốc.

Bà Dịu cho biết, nhà ở gần trạm y tế phường nên bà ra trạm cho tiện vì khám không mất tiền, thưa vắng, không phải chờ đợi. “Tôi có BHYT ở Bệnh viện Thanh Nhàn nên hàng tháng vẫn phải ra bệnh viện để khám và lấy thuốc định kỳ. Thuốc thì tháng nào cũng giống nhau nhưng vẫn phải đến bệnh viện xếp hàng, chờ khám khá lâu rồi mới được cấp thuốc. Với những bệnh nhân huyết áp mà được cấp thuốc hàng tháng luôn tại trạm y tế thì người già đỡ khổ, đỡ mất công đi lại”, bà Dịu nói.

Bà Trương Thị Dịu đến Trạm y tế phường để kiểm tra huyết áp.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Trạm trưởng trạm y tế phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hiện trạm y tế phường đang quản lý 325 người bệnh huyết áp, 112 người bệnh đái tháo đường… Tuy nhiên, mỗi tháng cũng chỉ có hơn chục bệnh nhân đến khám thường xuyên. Theo thống kê của trạm, trong tháng 6 vừa qua chỉ khoảng 16 bệnh nhân đến khám.

“Mặc dù trạm đã có 2 bác sĩ thường xuyên trực khám, trạm cũng được trang bị những máy móc cơ bản như: Máy đo huyết áp, test nhanh tiểu đường … nhưng số bệnh nhân đến khám cũng rất ít”- bác sĩ Nguyệt cho biết.

Trạm y tế phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự, đều đặn mỗi ngày chỉ có từ 2- 4 bệnh nhân đến khám. Trong khi đó, cơ sở vật chất ở trạm này cũng được trang bị  tương đối đầy đủ như: Máy đo huyết áp, máy siêu âm, test tiểu đường, máy xông họng, thiết bị khám tai mũi họng, khám răng…

Bác sỹ Dương Thu Hương, Trạm trưởng trạm y tế phường Thanh Nhàn cho rằng, nguyên nhân của việc trạm y tế ít người đến khám là do trạm chưa được kết nối với BHYT nên nhiều dịch vụ chưa được chi trả. Một số máy móc tuy được sử dụng miễn phí tại trạm nhưng thuốc, vật tư đi kèm người bệnh vẫn phải tự mua khiến họ chưa mấy mặn mà.

Còn nhiều bất cập

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đa phần trạm y tế thiếu trang thiết bị y tế, kể cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết... Có trạm trang bị máy siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng rất hạn chế sử dụng.

Bên cạnh đó, số lượng cán bộ y tế cơ bản ở trạm y tế đủ nhưng chất lượng hạn chế. “Khảo sát năm 2012 tại một số trạm y tế khu vực miền núi cho thấy đến 50% cán bộ y tế không nắm được chính xác huyết áp ở mức nào là tăng huyết áp, 90% không biết cách sơ cấp cứu dị vật đường thở”- ông Khuê cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì vấn đề chất lượng, cán bộ y tế, mức chi trả quá thấp, danh mục thuốc kỹ thuật ít. Vì thế bệnh nhân vượt lên tuyến trên, gây quá tải, tăng chi phí cho người dân, quỹ bảo hiểm.

“Tôi từng hỏi những bệnh nhân 4 giờ sáng đã bắt xe bus lên trung ương khám, nhiều người chỉ đơn giản là táo bón, đau đầu, tức ngực… Vậy sao những bệnh đơn giản này phải lên trung ương khám? Điều đó là không cần thiết, tốn kém tiền bạc của người dân, tạo sức ép, quá tải bệnh viện tuyến trên. Những bệnh này, tuyến y tế cơ sở hoàn toàn có thể làm được”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Hạn mức chi của quỹ BHYT cho tuyến cơ sở còn thấp cũng là nguyên nhân khó giữ chân bệnh nhân tại y tế cơ sở. Theo Bộ Y tế, thực tế số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt KCB BHYT trong khi chi phí KCB BHYT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại, số lượt KCB tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí.

Để khắc phục tình trạng y tế cơ sở yếu kém, bệnh nhân đổ dồn lên tuyến trên, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, trong đó trạm y tế được thực hiện 78 dịch vụ kỹ thuật và kê đơn 244 loại thuốc. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 105/2014 theo hướng bỏ quy định giao quỹ khám chữa bệnh BHYT cho trạm y tế không quá 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú của bệnh viện huyện và đề xuất BHXH thanh toán dựa trên chi phí thực tế.

Theo Tiến sỹ Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), thời gian tới cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán chi phí cho trạm y tế dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới, kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc điều trị HIV, lao…

Đồng thời, Bộ Y tế có Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018 – 2020 và Hướng dẫn triển khai Mô hình điểm trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, Bộ đã lựa chọn và tổ chức các đoàn do các lãnh đạo Bộ trực tiếp khảo sát tại 26 trạm y tế xã, phường của 8 tỉnh, thành phố. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện mô hình 26 trạm y tế chuẩn để nhân rộng trên phạm vi cả nước./.

Theo Thy Hạt/VOV.VN

Tệp đính kèm