Cập nhật: 29/07/2018 10:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tăng cường kiểm tra hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ đang đầy nước, sẵn sàng triển khai việc xử lý giờ đầu khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

"Thường xuyên kiểm tra hồ chứa mất an toàn đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du" là yêu cầu của ông Nguyễn Văn Tỉnh-Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi khi đi kiểm tra an toàn hồ chứa thủy lợi tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang ngày 27/7.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh kiểm tra mất an toàn hồ chứa Bản Cườm ở Lạng Sơn.

Mưa lớn những ngày qua đã làm nhiều hồ chứa trên địa bàn 2 tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hồ chứa lớn Nà Cáy với dung tích 6 triệu m3 đã đầy nước. Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra hồ Phai Luông 700.000 m3 và hồ Bản Cườm trên địa bàn huyện Cao Lộc. Đây là 2 trong số 8 hồ chứa xung yếu của tỉnh Lạng Sơn cần đặc biệt quan tâm.

Ông Đinh Văn Dáu, Trưởng thôn Bản Cườm, xã Thạch Đạn, phụ trách vận hành hồ chứa Bản Cườm cho biết, hồ có dung tích thiết kế gần 300.000 m3 gặp sự cố thấm đập đất từ năm 2008 đến nay, đã nhiều lần kiến nghị nhưng sự cố vẫn chưa được khắc phục.

“Từ năm 2008 đã xảy ra sự cố thấm nước qua thân đập, đến năm 2011 đã báo cáo và đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Hiện nay nước thấm qua thân đập ngày càng nhiều về hạ lưu, tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Nếu xảy ra sự cố sẽ gây thiệt hại toàn bộ diện tích cây trồng của các thôn, trong đó thôn hạ lưu hồ có khoảng 80 hộ dân với 300 nhân khẩu”.

Hạ tràn để giảm áp lực nước dâng cao thấm qua thân đập chính của hồ Chùa Ông ở Bắc Giang.

Ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang cho thấy, có 9 hồ xung yếu trong tổng số 138 hồ chứa xung yếu ở khu vực Bắc bộ, trong đó trên địa bàn huyện Lục Nam có 2 trong số 5 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng. Tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các chủ hồ chủ động không tích nước để đón lũ.

Ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Giang cho biết: “Trên địa bàn toàn tỉnh có 25 hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đã yêu cầu các chủ hồ, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, xây dựng phương án ứng phó mưa lũ cụ thể đến từng hộ, giao trách nhiệm cho chủ đập và chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn sàng vật tư theo phương châm "4 tại chỗ" chủ động đảm bảo an toàn hồ chứa khi có mưa lớn”.

Bên cạnh việc đánh giá cao nỗ lực chủ động đảm bảo an toàn hồ chứa của các địa phương, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Trưởng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu 2 tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang chỉ đạo các địa phương và công ty khai thác công trình thủy lợi hạ thấp mực nước các hồ chứa nước có cửa van xuống mức chủ động đón mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình, không xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ đang đầy nước, hồ chứa xung yếu, sẵn sàng triển khai việc xử lý giờ đầu khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

“Đối với những hồ nhỏ đặc biệt là đập đất nguy cơ mất an toàn rất cao. Ngoài việc quản lý phải tính đến cả những yếu tố mưa lũ cực đoan và cục bộ, trong khi đó những hồ này từ lâu đã không được tu sửa nâng cấp. Đề nghị các cấp chính quyền đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa giao cho các cấp xã, thôn bản quản lý phải thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá lại thực trạng của các công trình. Tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản lý của các chủ hồ”./.

Theo Minh Long/VOV.VN

Tệp đính kèm