Cập nhật: 30/07/2018 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tình trạng mua, bán thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm qua các “kênh” không rõ nguồn gốc hoặc không hợp pháp (hàng xách tay, bán qua in-tơ-nét, qua lời giới thiệu của người quen…) đang có chiều hướng gia tăng.

Các chuyên gia về y tế cho rằng, chất lượng sản phẩm sẽ không bảo đảm, nhiều rủi ro cho sức khỏe người sử dụng. Trong khi đó, việc kiểm soát các “kênh” bán hàng này chưa hiệu quả.

“Bẫy” người mua

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp chấm dứt hoạt động một website vì giới thiệu, quảng cáo sản phẩm nano vàng như một dạng thuốc chữa bệnh, trong khi sản phẩm chưa hề được thử nghiệm lâm sàng, chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Tuy nhiên, trước đó, đã có một số người bệnh ung thư được người thân quen giới thiệu hoặc tự tìm mua trên mạng. Khi cơ quan quản lý vào cuộc, chuyên gia y tế khuyến cáo sản phẩm không có tác dụng chữa bệnh, cộng với bệnh tình không thuyên giảm, nhiều người bệnh và người nhà mới hối tiếc vì “tiền mất, tật mang”.

Hiện còn rất nhiều website bán thuốc chữa bệnh vẫn công khai hoạt động. Sản phẩm có tên “Sendi Tulang” đang được rao bán trên mạng, quảng cáo sản xuất tại Ma-lai-xi-a với công dụng như “thần dược” cho nên nhiều người đã mua với số lượng nhiều để sử dụng dần. Tuy nhiên, loại thuốc này không đáp ứng các điều kiện lưu hành ở Việt Nam như: Trên vỏ hộp không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; trong hộp không có hướng dẫn sử dụng, người mua phải tìm hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt trên mạng; chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép lưu hành. Trên thị trường tồn tại những loại thuốc có ghi địa chỉ của cơ sở sản xuất nhằm tạo niềm tin cho người mua, nhưng thật ra đó chỉ là các địa chỉ ảo. Năm 2017, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư (Bộ Y tế) phát hiện 10 mẫu thuốc đông dược bị trộn thuốc tân dược, trên các sản phẩm có nhãn ghi địa chỉ cơ sở sản xuất nhưng khi cán bộ kiểm nghiệm thuốc tìm đến thì cả 10 địa chỉ đều không có trên thực tế. Khi được hỏi cách mua, những người đã sử dụng loại thuốc này cho biết, mua sản phẩm qua giới thiệu của người quen…

Đáng lo ngại, rất nhiều người dân tìm mua bằng được sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng qua quảng cáo mà không hề quan tâm đến chất lượng, tính hợp pháp của sản phẩm như các trường hợp nêu trên khá phổ biến. Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư Nguyễn Đăng Lâm cho biết, nguy cơ mua phải thuốc giả trên mạng rất lớn, chủ yếu là các thuốc hiếm, đắt tiền mà thị trường trong nước ít hoặc không có. Thế nhưng với số lượng lớn các thuốc, thực phẩm chức năng bán trên mạng như hiện nay là một dấu hỏi lớn về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng. Theo quy định của các nước việc mua, bán thuốc được kiểm soát rất chặt chẽ, nhất là bắt buộc phải có đơn thuốc của bác sĩ, cho nên khó có thể mua được số lượng lớn để bán như vậy. Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào bất cứ thời điểm nào, cũng có khoảng 40 nghìn đến 50 nghìn người bán thuốc hoạt động trực tuyến trên toàn cầu, 93 đến 96% trong số này hoạt động bất hợp pháp. 50% số thuốc kê đơn được bán trực tuyến trên các website che giấu địa chỉ thật là thuốc giả.

Thuốc giả có thể được đóng trong bao bì thật cho nên không thể phát hiện được bằng mắt thường. Một số nước trên thế giới đã từng phát hiện các thành phần nguy hiểm trong thuốc giả như thủy ngân, nhôm, chì, chất chống đông, thuốc diệt chuột. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thực phẩm chức năng dễ dàng mua tại các siêu thị ở nước ngoài nhưng khi đưa về bán tại Việt Nam cũng phải thực hiện việc công bố sản phẩm tại Bộ Y tế để quản lý, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc; việc bán thuốc, thực phẩm chức năng theo kiểu “xách tay”, bán trên mạng là vi phạm. Nguyên Phó Cục trưởng Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Hồng Phương cho biết, thời gian qua, một số trang thông tin điện tử, facebook rao bán sản phẩm nấm lim xanh, nọc bọ cạp có tác dụng chữa ung thư… nhiều người bỏ hàng triệu đồng mua uống, nhưng hiện nay chưa có công trình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng nào về tác dụng này của các sản phẩm đó.

Cần tăng cường kiểm soát

Phó Cục trưởng Quản lý Dược Đỗ Văn Đông cho biết, theo quy định của Luật Dược, chỉ được bán lẻ thuốc tại nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Thông tư 02/2018/TT-BYT quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải có khu vực để người mua thuốc tiếp xúc và trao đổi thông tin về việc sử dụng với người bán. Như vậy, việc bán lẻ thuốc trên mạng là hành vi bị nghiêm cấm. Phó cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Đỗ Hữu Tuấn thừa nhận, tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các website, trang mạng xã hội rất phổ biến, nhưng rất khó kiểm soát, gặp nhiều khó khăn trong xác định chủ thể quảng cáo.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, có 10 trường hợp vi phạm về quảng cáo được chuyển cơ quan chức năng xử lý, chấm dứt hoạt động website. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông (là cơ quan quản lý các tên miền) và các đơn vị truyền thông, quảng cáo để kiểm soát các quảng cáo thực phẩm chức năng. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm không được công bố theo quy định của pháp luật. Nếu người dân phát hiện vi phạm, đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng nơi xảy ra vi phạm để xác minh, xử lý theo quy định. Cục Quản lý Dược cũng khuyến cáo người dân nên đến các cơ sở bán lẻ thuốc đã được cơ quan chức năng cấp phép để được tư vấn, cung cấp thông tin đầy đủ về thuốc.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 17 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuốc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền. Trong đó, yêu cầu Bộ Công thương tăng cường quản lý giám sát về điều kiện hoạt động thương mại điện tử; phối hợp các cơ quan chức năng, các chủ thể quyền, xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng các trang mạng xã hội kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thuốc, thực phẩm chức năng. Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo, thông tin sai quy định trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền.

Dư luận trông chờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để đẩy lùi tình trạng bán thuốc, thực phẩm chức năng tại các “kênh” bán không hợp pháp như hiện nay, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

HÀ LINH, TRUNG TUYẾN 

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm