Cập nhật: 01/08/2018 14:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng 29-7, lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng” do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm.

Tiết mục xiếc đường phố.

1/ Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Khách tham quan đã được thưởng thức nhiều tiết mục văn hóa. Khối dân gian với màn diễn múa rồng, múa lân, trống hội. Hoạt cảnh tái hiện một đám cưới theo phong cách Hà Nội xưa có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Công Lý, Minh Vượng, Thu Hà, NSND Minh Hòa... Khối làng nghề mang đến những màn múa đặc sắc từ các địa phương như múa nón (làng Chuông - Thanh Oai), múa lụa (Vạn Phúc - Hà Đông), múa hoa (làng hoa Mê Linh)…

Cùng với đó là khối đồng diễn của người cao tuổi, thiếu nhi, thanh, thiếu niên; tiết mục áo dài thời trang với những chiếc áo đến từ bộ sưu tập của các nhà thiết kế nổi tiếng. Kết lại là khối Carnaval sắc mầu rực rỡ.

2/ Buổi diễu hành diễn ra trong sự hào hứng tham gia của hàng nghìn người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước. Đây có thể kể đến như một thành công trong cuộc hành trình kết nối cộng đồng. Nhiều người tham gia lễ hội chia sẻ rằng họ mong muốn sẽ có nhiều hơn những lễ hội như vậy, và hy vọng lễ hội đường phố sẽ có thể trở thành một điểm nhấn văn hóa độc đáo của Thủ đô.

Bạn Nguyễn Phương Anh, tham gia đoàn diễu hành áo dài truyền thống đến từ nhà văn hóa quận Long Biên cho biết: Tham gia chương trình này là do sự huy động từ chính lãnh đạo của địa phương với tinh thần tự nguyện. Việc đứng vào hàng ngũ diễu hành trong dịp kỷ niệm quan trọng này là vô cùng tự hào và đầy hứng thú. Nhiều bạn trẻ trong nhà văn hóa cũng mong muốn được thể hiện mình, đem lại không khí long trọng cho địa phương mình nói riêng và của cả Hà Nội nói chung.

Còn bà Nguyễn Thị Hoan, sống tại Mỹ Đình biết được thông tin của buổi diễu hành qua truyền hình nên chủ đích đến đây từ sớm để tham dự cùng với các cháu nhỏ trong gia đình. Bà Hoan cảm nhận, đây là một dịp vui chơi bổ ích, giúp lan tỏa các giá trị của Hà Nội mà qua đó các cháu nhỏ của bà được mở mang tri thức về văn hóa truyền thống địa phương mình.

3/ Tổng đạo diễn chương trình - NSND Thúy Mùi chia sẻ: Ban tổ chức là muốn tạo dựng lại một không gian văn hóa Hà Nội với đầy đủ sắc mầu, thể hiện sự gắn kết sau 10 năm hợp nhất. Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh phí và không gian biểu diễn nên một số ý tưởng hay phải gác lại. Chẳng hạn dự định trưng bày các sản phẩm gốm tinh túy nhất của làng nghề Bát Tràng. Hoặc màn tái hiện hoạt cảnh quan trạng vinh quy… NSND Thúy Mùi cũng cho biết: Lễ hội được tổ chức không dựa vào ngân sách nhà nước mà nhờ huy động vốn xã hội hóa. Ban tổ chức phải rất nỗ lực trong mọi khâu, từ kêu gọi tài trợ, huấn luyện biểu diễn, tuyên truyền… để làm sao cho chương trình vừa tiết kiệm tối đa, lại vừa tạo được sự hoành tráng về mặt cảm xúc.

BÀI & ẢNH: BÁCH NGỌC THÚY

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm