Cập nhật: 03/08/2018 14:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Suốt một tháng qua, mưa bão, lũ quét và sạt lở đất liên tục diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Qua đó, các lực lượng chuyên trách, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, lực lượng vũ trang cần chủ động hơn trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp giảm thiểu thiệt hại, chia sẻ với người dân, giúp họ gượng dậy, vươn lên.

Lực lượng vũ trang tích cực tham gia tìm kiếm, cứu tài sản cho người dân ở Yên Bái

Căng mình làm nhiệm vụ

Xuất phát từ thị trấn Mậu A lúc 10 giờ, di chuyển bằng ô-tô, xe máy và đi bộ xuyên rừng, mãi đến 14 giờ chúng tôi mới có mặt ở bản Nùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái). Dọc đường, lũ quét tràn qua để dấu tích nặng nề: cầu treo trung tâm xã Châu Quế Hạ bị đứt cáp trôi theo dòng nước, các ngầm, đập tràn bị lũ phá hủy, khiến không một phương tiện cơ giới nào qua lại được. Một bãi thải khổng lồ của bùn đất, đá hộc, đá cuội có viên bằng gian nhà, cây rừng nằm ngổn ngang cánh đồng gần 10 héc-ta đang trồng lúa mùa. 16 ngôi nhà của đồng bào Tày, Thái, Mông của xã bị dòng lũ quét cuốn ra sông Hồng, mấy ngôi nhà sàn sót lại cũng nghiêng ngả.

Phong Dụ Thượng là tâm lũ của huyện Văn Yên, hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (bão Sơn Tinh). Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng Lò Văn Mạnh, quần xắn cao, đầu đội mũ cối, tay cầm quạt làm từ nửa tàu lá cọ chặt vội, vừa đi vừa trao đổi: “Hơn 1.200 hộ đồng bào Tày, Thái, Dao của xã làm nhà dọc các khe, suối của Ngòi Hút, lũ quét năm nay khủng khiếp, tôi sống gần nửa đời người ở đây mới gặp lần đầu. Đến hôm nay, toàn bộ các hộ bị thiệt hại đã được nhận tiền, gạo hỗ trợ theo quy định, tiền và hàng cứu trợ được công khai. Cán bộ địa chính huyện và xã đã tìm được quỹ đất mới tái định cư cho các hộ mất nhà ở, trước mắt động viên bà con khôi phục lại sản xuất, đưa ngô vào thay thế lúa nước”.

Ngay trong mưa lũ, 200 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 có mặt tại vùng “rốn lũ”, phối hợp cùng lực lượng PCCC&TKCN công an tỉnh để cứu hộ, cứu nạn. Tại bản Tành Hanh, xã Sơn Lương (Văn Chấn), ba chiến sĩ mặc áo phao, quàng dây cáp dũng cảm bơi xuôi theo dòng nước xiết, tiếp cận ngôi nhà có nguy cơ cuốn trôi theo Ngòi Thia, dùng cáp và ròng rọc giải cứu thành công bảy người thoát chết khỏi dòng nước lớn. Tại xã Quang Minh (Văn Yên), sáng 20-7, chị Hoàng Thị Phượng, dân tộc Dao trong khi đi làm nương bị mất tích. Gia đình cùng hơn 50 người dân trong xã tổ chức tìm kiếm cả trên nương và dọc theo khe Ván, đến chiều lực lượng tìm kiếm chỉ nhặt được vỏ dao làm từ tre, nón, ủng, gùi và kéo bóc vỏ quế. Trưởng bản Khe Ván là Lý Phúc Chu với kinh nghiệm của người già phán đoán: Cái nặng thì ở gần, cái nhẹ thì trôi xa, thế này nó đi theo suối rồi, phải đón nó ở cửa Ngòi Hút thôi! Quả nhiên, nhờ tấm chắn đăng làm từ nứa đan vội, đến gần nửa đêm thì tìm được thi thể chị Phượng.

Trong đợt mưa bão, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà quyết định dừng hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh để các bí thư về ngay cơ sở chỉ đạo phòng, chống thiên tai; dừng kỳ họp HĐND tỉnh; nhanh chóng điện báo Bộ Tư lệnh Quân khu 2 xin lực lượng và phương tiện cứu nạn khẩn cấp; sử dụng flycam chụp ảnh nhằm phân tích ảnh thám không các vùng bị cô lập hoàn toàn, từ đó có thông tin chỉ đạo cứu hộ cứu nạn. Sự có mặt kịp thời của người đứng đầu tỉnh ở những nơi khó khăn nhất, chia sẻ với người dân trong cơn hoạn nạn, động viên lực lượng cứu hộ, chỉ đạo việc phát động ủng hộ đồng bào bị thiên tai trong toàn Đảng bộ; quyết liệt trong việc tìm ngay quỹ đất tái định cư ổn định đời sống cho số hộ bị mất nhà cửa… Nhờ đó, lũ dữ đã đi qua với bao bộn bề công việc, nhưng người dân vùng bị thiên tai luôn ấm lòng bởi sự có mặt kịp thời của chính quyền, lực lượng vũ trang và sự sẻ chia, đồng cảm các nhà hảo tâm hướng về vùng lũ dữ Yên Bái.

Về vùng “rốn lũ” Văn Bàn (Lào Cai) sau khi nước rút, lộ ra những thiệt hại do sức tàn phá ghê gớm của lũ dữ. Nhưng chúng tôi ghi nhận được tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm vượt lũ, vượt khó của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân nơi đây. Từ cán bộ huyện, xã đến trưởng thôn, đến từng người dân đều nỗ lực xuống ruộng, xuống hiện trường. Khi chúng tôi có mặt ở đây, giữa trưa oi ả, cán bộ Chi nhánh điện lực Văn Bàn vẫn bám trụ trên đỉnh cột điện ở thôn Sơn Hồng để đấu nối đường dây, sớm cấp điện trở lại cho dân. Đến thôn Xuân Nam, ở cách xa trung tâm xã nhất, trưởng thôn Trần Minh Lại đang cùng bà con xúc bùn đất, để bảo đảm giao thông liên thôn. Có mặt cùng bà con thôn Xuân Nam bên những cánh đồng bị bùn đất, cát đá vùi lấp sâu hàng mét, mất khả năng cấy lúa, Chủ tịch UBND xã Văn Sơn cho chúng tôi biết: Đối với hơn chục héc-ta ruộng bị san phẳng và bồi lấp sâu, xã vận động bà con tận dụng trồng cây màu thay thế, đồng thời cải tạo đất để khôi phục thành ruộng cấy sau này. Đối với những diện tích lúa, ngô bị ngập úng thì ngay sau lũ rút, tiến hành gạt bùn cứu lúa. UBND xã sẽ trích Quỹ dự phòng thiên tai để hỗ trợ bà con về giống và một phần phân bón.

Chủ động để giảm thiệt hại

Kinh nghiệm những năm qua chỉ ra, với mỗi cơn bão, trước mỗi đợt mưa lớn và kéo dài, nếu công tác dự báo chính xác và kịp thời để các lực lượng chức năng và người dân lên phương án ứng phó, sẽ giảm được nhiều thiệt hại. Bốn năm trở lại đây, nắm bắt được hiện tượng thời tiết cực đoan và có diễn biến bất thường tăng theo từng năm, các cơ quan chức năng từ trung ương đến các địa phương đã có nhiều phương án chủ động ứng phó, cứu hộ, cứu nạn. Cụ thể, trước khi bão Sơn Tinh ập vào theo dự báo, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu đã chỉ đạo huy động toàn lực lượng để sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và tìm kiếm người đang bị mất tích; giải cứu những người dân đang ở vị trí bị cô lập, đồng thời thực hiện tốt các chính sách cho người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai. Các địa phương bố trí lực lượng kiểm tra những vị trí xung yếu ở các xã, nơi đang bị tràn đê, ngập nước, nơi có nguy cơ sạt lở đất; vị trí giao thông, thủy lợi xung yếu để có phương án cảnh báo kịp thời.

Ở địa phương khác, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn yêu cầu công an các huyện, thành phố thường trực 100% quân số; các phòng thuộc công an tỉnh thường trực nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị để sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống xấu. Tiến hành kiểm tra các phương án phòng, chống lụt bão; chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm sẵn sàng tham gia phòng, chống và ứng cứu khi có bão lụt.

Sơn La cũng là một tỉnh có địa bàn rộng, phức tạp, trận lũ quét lịch sử năm 2017 xảy ra tại huyện Mường La gây biết bao mất mát, đau thương cho người dân, nỗi ám ảnh đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai. Người dân đã và đang gượng dậy, ổn định cuộc sống. Song, mưa lũ năm nào cũng xảy ra, đeo đẳng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, sáu tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có chín người chết, 11 người bị thương, hơn 2.100 nhà thiệt hại; hư hỏng, tốc mái, bảy điểm trường học… với tổng thiệt hại hơn 138 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, mỗi năm, các lực lượng trên cả nước đã ứng cứu hàng nghìn người trong thiên tai, sự cố, tai nạn, riêng thời gian qua đã cứu hộ được 5.438 người. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã hướng dẫn hơn 3,1 triệu lượt người; gần 745.000 phương tiện đang hoạt động trên biển biết tình hình thời tiết nguy hiểm; di dời hơn 100 nghìn hộ dân từ nơi nguy hiểm đến nơi tránh trú.

Trước cơn bão Sơn Tinh, các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình… dù đã chủ động ứng phó, nhưng rõ ràng những thiệt hại vẫn rất lớn. Do vậy cần nhiều phương án hiệu quả hơn nữa, từ công tác cảnh báo, dự báo, túc trực trong điều kiện mưa lũ, bám sát địa bàn để có thể giúp đỡ người dân tránh trú, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Ngày 24-7, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị PCTT khu vực miền trung - Tây Nguyên năm 2018 nhằm đánh giá toàn diện tình hình thiên tai, đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm còn khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, riêng khu vực Trung Bộ có khả năng phải hứng chịu 2 đến 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, do đó, các địa phương cần đề phòng những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Thanh Sơn - Khánh Hồng 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm