Cập nhật: 08/08/2018 15:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau khi các lệnh trừng phạt với Iran chính thức được khôi phục, Tổng thống Mỹ ngay lập tức gửi cảnh báo tới những nước vẫn còn giao dịch với Iran.

Sau khi các lệnh trừng phạt chống Iran chính thức được khôi phục, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (7/8) cũng ngay lập tức gửi đi cảnh báo tới những nước vẫn còn giao dịch với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ông Donald Trump phát biểu tại một cuộc biểu tình chống thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015, khi ông đang tranh cử chức vụ tổng thống Mỹ. Ảnh: AP.

Tuyên bố này được giới chuyên gia nhìn nhận như sự khai hỏa cho một cuộc chiến thực sự giữa một bên là Mỹ với một bên là những nước như Iran, Nga và các nước châu Âu muốn bảo vệ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, một trong những thành quả ngoại giao lớn nhất lịch sử hiện đại.

Vài giờ sau khi các lệnh trừng phạt chính thức có hiệu lực, được dự báo sẽ làm trầm trọng hơn nền kinh tế đất nước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chỉ trích Mỹ đang phát động “một cuộc chiến tranh tâm lý”, đồng thời bác bỏ mọi cuộc đàm phán về một thỏa thuận mới theo yêu cầu của nước này.

Khi được báo chí hỏi về lập trường của Iran, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng, mục đích của Mỹ không phải là thay đổi chế độ tại nước Cộng hòa Hồi giáo, mà nhằm gây sức ép tối đa với chính phủ nước này.

Những biện pháp của Mỹ đã không khỏi khiến nhiều nước tức giận, trong đó có Nga. Chính phủ nước này hôm qua (7/8) khẳng định sẽ làm mọi việc cần thiết nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và rằng cộng đồng quốc tế sẽ không để bị buộc phải chấp nhận hi sinh các thành quả ngoại giao đa phương vì những tham vọng của Mỹ.

Những nước châu Âu từng tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân cũng gần như đồng thời cất chung tiếng nói khẳng định quyết tâm cứu vãn văn kiện và bảo vệ các hoạt động kinh tế hợp pháp với Iran. Như một minh chứng, Liên minh châu Âu đã kích hoạt một điều luật theo hướng này.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini cho biết: “Thỏa thuận hạt nhân gồm 2 phần: Iran từ bỏ chương trình hạt nhân và cộng đồng quốc tế khôi phục các quan hệ thương mại và kinh tế với Iran. Điều thứ 2 này cần phải được duy trì nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu thứ nhất và hơn hết muốn Iran thực hiện đẩy đủ các cam kết của mình”.

Tuy nhiên, bất chấp lập trường của Nga và Liên minh châu Âu, chính quyền Mỹ vẫn tỏ ra khá cứng rắn. Trong dòng trạng thái đăng tải trên trang mạng cá nhân Twitter, Tổng thống Donald Trump viết: “Các lệnh trừng phạt chống Iran đã chính thức có hiệu lực. Đây là các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất và tháng 11/2018 sẽ được nâng lên một cấp độ mới. Bất kỳ ai giao dịch thương mại với Iran cũng đồng nghĩa với việc sẽ không làm ăn với nước Mỹ.”

Theo chuyên gia Ali Vaez, thuộc Nhóm Khủng hoảng quốc tế, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và khôi phục các lệnh trừng phạt chống Iran là một trong những sai lầm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ cuộc chiến tranh tại Iraq. Sức ép đối với chính quyền Tổng thống Rouhani là rất lớn. Đồng nội tệ của nước này đã mất gần 2/3 giá trị chỉ trong 6 tháng qua. Trong khi đó CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết đã có khoảng 100 công ty quốc tế có ý định rời thị trường Iran, trong đó có cả các công ty châu Âu vốn có dự án lớn ở đây.

Tổng thống Rouhani, người được xem là có công lớn trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và có lập trường khá cởi mở với phương Tây, đã cáo buộc Mỹ đang tìm cách chia rẽ người dân Iran. Ông đồng thời cho rằng, sẽ là “điên rồ” nếu chấp nhận đàm phán với Mỹ dưới sức ép của các lệnh trừng phạt mà theo ông là đang nhằm vào “các trẻ em Iran, những người bệnh và toàn dân tộc Iran”:

“Tổng thống Trump và chính quyền của ông ấy đã từ chối các cuộc đàm phán và phá vỡ các nỗ lực ngoại giao. Những gì ông ấy đang làm là chống lại dân tộc Iran và chống lại các lợi ích quốc gia của Iran. Chúng tôi sẵn sàng đi theo con đường ngoại giao nếu thực sự nhận thấy sự chân thành và trung thực.”

Nếu theo đúng lịch trình, tháng 11/2018, các lệnh trừng phạt tiếp theo sẽ tiếp tục có hiệu lực trở lại. Đó là lệnh cấm các nước mua bán dầu với Iran và giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran.

Theo các nhà phân tích, cùng với việc để ngỏ khả năng đối thoại về một thỏa thuận toàn diện hơn với Iran, việc Mỹ đặt ra hai giai đoạn trong tiến trình trừng phạt Iran đã phần nào cho thấy ý đồ của nước này, đó là khả năng đối thoại về một thỏa thuận có lợi hơn cho nước Mỹ, theo đúng tinh thần "Nước Mỹ trên hết" mà Tổng thống Donald Trump vẫn luôn theo đuổi. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã thay đổi và Mỹ không còn dễ dàng áp đặt ý chí của mình như trước đây.

Theo Thu Hoài/VOV.VN

Tệp đính kèm