Bài viết này có lẽ đã trả lời một phần câu hỏi đặt ra là: Nam giới có cần thiết phải chịu đau để tạo sung sướng cho chị em hay không?
Đó chính là một câu hỏi mà chuyên mục Câu chuyện giới tính của báo Sức khỏe&Đời sống đã nhận được từ khá nhiều bạn đọc.
Những ca bệnh đặc biệt
Đó là năm 1996, khi BS. Nguyễn Thế Lương mới ngoài 20 tuổi và chưa đi sâu vào lĩnh vực nam khoa như hiện giờ. Bệnh nhân lần đó là một thanh niên bằng đúng tuổi bác sĩ, một kỹ sư công nghệ thông tin đi học ở Đức về. Bề ngoài cực thư sinh của anh ta khiến bác sĩ... choáng khi thăm khám bộ phận đàn ông đang bị viêm nhiễm nặng. Đó là hậu quả của việc thanh niên này đã cấy 2 viên bi vào dương vật và bị nhiễm khuẩn. Bấy lâu bác sĩ vẫn mặc định rằng chỉ có những đàn ông bặm trợn lắm mới tìm đến dịch vụ đeo cấy này. Không ngờ rằng đội ngũ phong phú hơn nhiều. Ở Việt Nam chủ yếu có hai nhóm. Nhóm vằn vện xăm trổ (những người có cá tính mạnh, ưa thử nghiệm hoặc là có thành tích bất hảo) và nhóm Tây học. Tuy nhiên, trong mấy chục năm hành nghề, BS. Lương đã gặp bệnh nhân ở mọi đối tượng, có cả nông dân. Cũng không khoanh vùng ở một lứa tuổi nào. Không chỉ những chàng trai trẻ, dễ hăm hở... nghịch dại mà cả những đàn ông 40-50 cũng không ngại ngần đương đầu với thử thách. Đó đều là những ca bệnh khiến bác sĩ cực kỳ ám ảnh, bởi họ chỉ đến bệnh viện trong tình trạng dương vật viêm nhiễm sứt sẹo toe toét, có những người bị nhiễm khuẩn nặng chảy mủ ròng ròng...
Tư vấn: ThS.BS. Nguyễn Thế Lương
Sau ca bệnh đặc biệt đầu tiên đó, BS. Lương bắt đầu lọ mọ tìm hiểu vấn đề này. Càng tìm hiểu càng thấy thế giới là vô cùng. Chỉ nguyên hệ thống đeo cấy này đã có bi, kiếm, râu rồng, mí dê (gắn bi, đeo kiếm, xỏ râu rồng)... Rồi từ đó còn chia thành nhiều... nhánh. Ví dụ như, chỉ riêng kiếm lại còn phân ra: độc kiếm, song kiếm, trứ trụ triều đình. Hóa ra nam giới không hề ích kỷ mà luôn... chịu khó phục vụ chị em. Bởi vì bản chất hành động đeo cấy này là để gia tăng khoái cảm cho đối tác nữ. Còn với thân chủ, đau đớn là điều ít nhiều không thể tránh.
Trở lại với trường hợp của kỹ sư công nghệ thông tin. Sau khi BS. Lương tiến hành các thủ thuật lấy bi, vệ sinh, cho thuốc chống viêm, giảm đau... anh ta dần hồi phục. Bác sĩ hỏi: Khỏi rồi thì đã... chừa chưa? Câu trả lời của chàng trai trẻ khiến bác sĩ thêm một lần choáng váng: Đợi êm êm một chút, em sẽ đi đặt lại.
BS. Lương cũng không thể quên một bệnh nhân nam đeo tới 17 cái khuyên vào chỗ đó. Hay một trung niên gắn 6 viên bi vòng quanh đầu dương vật, trông chả khác nào đeo... vương miện.
Tuy nhiên, điều khiến BS. Lương băn khoăn nhất lại là sau khi anh phỏng vấn đối tác nữ của những bệnh nhân đặc biệt này, câu trả lời được nghe nhiều nhất chính là...một loại bi dùng đeo cấy
“Tôi thực sự không thích thú với điều đó”
Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi còn chết khiếp - Bạn gái một bệnh nhân của BS. Lương thú nhận như vậy.
Anh ấy nói làm vậy để đem lại khoái cảm nhiều hơn cho tôi, nhưng thú thật là tôi chả cảm thấy khác biệt gì lắm so với trước kia - vợ một bệnh nhân trung niên cho biết.
Thì ra, cái công nghệ đeo cấy này chủ yếu là để phục vụ cho tinh thần các ông là chính. Hành động mạo hiểm này có thể bắt nguồn từ những huyền thoại bất thành văn, khiến đàn ông nghĩ mình cần tạo nên sự khác biệt, khiến cho đàn bà không thể nào quên. Tuy nhiên, khi câu trả lời của chị em là không thật sự thích thú với điều đó thì sự hy sinh này thật là vô nghĩa. Hoặc nó chỉ có ý nghĩa với một số đối tượng hành nghề buôn... cà rốt, khi mà họ cần tạo thương hiệu/tạo sự khác biệt trên “thị trường”.
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Những đàn ông liều lĩnh, thay giời hành đạo này luôn phải đối mặt với nhiều mối hiểm nguy.
Khi trong người bạn có bi/ kiếm/râu rồng... - SOS!
Nguy hiểm nhất là khả năng mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Bởi vì những người này không thể xài bao cao su được, do bao sẽ... rách. Mà trong thế giới hiện đại, STD không chỉ còn giới hạn trong 5 bệnh cơ bản như trước đây (lậu, giang mai, sùi mào gà ...). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghép vào mảng này đến hơn 20 căn bệnh cả thảy.
Hiểm nguy tiếp theo, rất đáng nói, đó là nguy cơ viêm nhiễm trong quá trình đặt vật thể lạ vào trong cơ thể là rất cao. Ví dụ như, để đeo kiếm, người đàn ông cần tạo những đường hầm ở dương vật và việc này thường dẫn đến nhiều viêm nhiễm, chảy máu và rất đau đớn trong nhiều tháng, có khi đến 12 tháng. Trung bình 6 tháng mới xong một đường hầm như vậy. Nguy cơ viêm nhiễm, thậm chí là nhiễm khuẩn máu luôn đe dọa. Như vậy, không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của người đàn ông đó mà còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe nói chung.
Thực tế, những người đã chịu khó đeo cấy, thường có nhiều hơn một bạn tình. Bởi vậy họ chính là một trung tâm gieo rắc bệnh tật. Phải chăng đó cũng là một nguyên nhân khiến đối tác nữ của họ không cảm thấy thực sự thích thú? Bởi vì với phụ nữ, yếu tố an toàn trong tình dục đóng vai trò quan trọng trong việc họ có nhận được khoái cảm đỉnh cao hay không. Khi người phụ nữ cảm thấy chênh vênh trên bờ vực của sự nghi hoặc, họ có thể bị lịm tắt một số cảm giác.
Võ Hồng Thu
Theo suckhoedoisong.vn