Chiều 15-8, tại Hà Nội, trước diễn biến khó lường của cơn bão số 4, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (BCĐ TƯ về PCTT) tổ chức họp đánh giá khả năng tác động và đưa ra các phương án sẵn sàng ứng phó. Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban BCĐ TƯ về PCTT chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban BCĐ TƯ về PCTT phát biểu tại cuộc họp.
Tính đến 13 giờ chiều ngày 15-8, tâm bão số 4 ngang với Quảng Ninh- Hải Phòng, cách bờ khoảng 420km, gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam. Theo dự báo, trong vòng 24 giờ tới, tâm bão sẽ di chuyển vào khu vực Vịnh Bắc Bộ, trong vòng 48 giờ tới, tâm bão số 4 sẽ di chuyển vào đất liền. Cụ thể, vào khoảng 10 giờ ngày 17-8 (Thứ Sáu), tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An, gió mạnh cấp 8, sau đó di chuyển sang khu vực thượng Lào và tan dần.
Theo đánh giá của Thường trực BCĐ TƯ về PCTT, hướng đi của cơn bão số 4 thay đổi liên tục khó lường, sức bão mạnh dần khi tiến vào đất liền, có khả năng gây thiệt hại lớn. Đặc biệt, những nơi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 là vùng có nhiều hoạt động kinh tế lớn, khu vực có nhiều tàu thuyền ven biển hoạt động, các khu kinh tế du lịch hoạt động mạnh, hệ thống đê điều, hồ đập đã trải qua gần hai tháng mưa lũ; ở nhiều khu vực miền núi phía bắc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Theo dự báo, cơn bão số 4 sẽ gây mưa lớn trên diện rộng trong 1,5 ngày tới với lượng mưa có thể lên đến từ 200mm đến hơn 300mm, tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Mưa lớn gây nguy cơ úng ngập cao tại các vùng trũng, thấp tại đồng bằng Bắc Bộ và các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Phủ Lý, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên.
Hướng di chuyển của cơn bão số 4. Ảnh: NCHMF.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, hiện nay, lực lượng biên phòng các địa phương đã thông báo rộng rãi và thực hiện kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền và các nơi có hoạt động nuôi trồng thuỷ sản. Cụ thể, có 30.967 phương tiện và hơn 108 nghìn người đã neo đậu tại bến (các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình), còn 5.347 phương tiện và 29.320 người đang hoạt động trên biển.
Theo lực lượng biên phòng, để bảo đảm an toàn khi cơn bão số 4 đổ bộ, cần chủ động thực hiện cấm biển, đặc biệt là đối với hoạt động du lịch trên biển và trên các đảo. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê biển, cầu cảng, đường giao thông và các khu công nghiệp ven biển, các hầm lò, hồ chứa bùn thải trong vùng chịu ảnh hưởng, các lực lượng địa phương cần có phương án chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
Mặt khác, tại các nơi chịu ảnh hưởng trên đất liền, các vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét cần khẩn trương thực hiện các công tác phòng chống, ứng phó. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi phía bắc, cần khẩn trương rà soát, di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người dân.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng NN&PTNN Hoàng Văn Thắng, Phó ban BCĐ TƯ về PCTT cho rằng, các địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 nên tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan, cần đề cao tinh thần cảnh giác, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, sẵn sàng ứng phó. Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường công tác trực ban, vận hành các hồ chứa nước bảo đảm an toàn, sẵn sàng ứng phó khi cơn bão số 4 đổ bộ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường , Trưởng BCĐ TƯ về PCTT điểm lại những nhóm giải pháp chính nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 4, đồng thời thành lập, cử ba đoàn công tác đi kiểm tra chỉ đạo, đôn đốc các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ sau bão. Cụ thể, đoàn thứ nhất sẽ thực hiện công tác kiểm tra tại khu vực Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; đoàn thứ hai sẽ thực hiện công tác kiểm tra tại khu vực Nam Định – Thái Bình – Thanh Hoá; đoàn thứ ba sẽ thực hiện công tác kiểm tra hệ thống đê điều tại các sông trong khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4.
Các nhóm giải pháp chính nhằm ứng phó với cơn bão số 4:
1. Đối với các hoạt động trên biển, ven biển: Xem xét thực hiện việc cấm biển (từ sáng ngày 16-8) để bảo đảm an toàn; Kiểm soát tàu thuyền, các hoạt động trên biển, bao gồm cả những hoạt động du lịch; Kiểm tra, rà soát nhóm nuôi trồng thuỷ sản.
2. Tăng cường công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với khối trên đất liền ven biển (các công trình công cộng, nhà dân, khối dịch vụ, thương mại …)
3. Đối với các khu vực miền núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét, cần chủ động, khẩn trương di dời người dân tới nơi an toàn.
4. Đối với nhóm sản xuất nông nghiệp, cần chú trọng lên phương án sẵn sàng ứng phó, chống ngập tại sáu trọng điểm của đồng bằng sông Hồng, đặc biệt chú trọng lên phương án phục hồi sản xuất, khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, sớm ổn định sản xuất và cuộc sống người dân.
5. Tăng cường kiểm tra, rà soát, bảo đảm an toàn cho hệ thống điện lưới, hệ thống thuỷ lợi, thuỷ điện, các tuyến đê; đặc biệt là những tuyến đê đã bị ảnh hưởng, như đê sông Bưởi (Thanh Hoá), sông Bùi (Hà Nội).
Theo QUỐC DŨNG/nhandan.com.vn