Cập nhật: 19/08/2018 09:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bão số 4 đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa kèm theo mưa to đã làm nhiều thôn bản bị ngập sâu, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở các huyện miền núi bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Hiện, các ngành liên quan cùng địa phương đang khẩn trương khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống người dân.

Cơ quan chức năng sử dụng ca-nô, xuồng máy sơ tán người dân vùng nguy hiểm trên địa bàn TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đến nơi tạm trú. Ảnh: LÊ DƯƠNG

Tại huyện Mường Lát, tuyến đường 15 C bị sạt lở 36 vị trí, quốc lộ 16 C và tỉnh lộ 521Ð bị sạt 16 điểm…, gây ách tắc giao thông. Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Phạm Bá Ðiểm cho biết: Hiện, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa huy động tối đa nhân lực, cùng sáu phương tiện xử lý các điểm sạt lở, phấn đấu thông tuyến giao thông lên huyện vùng cao Mường Lát vào ngày 19-8. Riêng các điểm sạt lở trên tuyến giao thông do huyện quản lý, mạng lưới giao thông nông thôn, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn huy động nhân lực, phương tiện tại chỗ san, gạt đất đá sạt lở, gia cố nền đường, bảo đảm giao thông trong huyện thông suốt.

Mấy ngày qua, 10 tổ công tác gồm thanh niên xung kích, công an, bộ đội biên phòng vẫn lưu lại 10 bản bị chia cắt ở huyện Quan Sơn để trợ giúp nhân dân ứng phó với mưa, lũ. Các xã, thị trấn trong huyện đã sơ tán, di dời 64 hộ, 273 người khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đến lưu trú tại nhà văn hóa, điểm trường học, ở cùng anh em dòng tộc, cộng đồng làng xã tại địa bàn. Trước đó, huyện Quan Sơn trích 80 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng mua mì tôm, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết, chỉ đạo các xã bố trí thêm kinh phí và kêu gọi cộng đồng dân cư cùng trợ giúp, ổn định sinh hoạt, đời sống cho các hộ phải sơ tán, phòng tránh lũ quét, sạt lở đất. Sáng 18-8, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quan Sơn điều động 20 dân quân tự vệ đến khu vực xã Sơn Thủy cùng hơn 60 nhân lực tại chỗ mở rộng phạm vi tìm kiếm bà Phạm Thị Báo (SN 1970) ở bản Thủy Thành bị lũ cuốn mất tích khi lội qua suối. Huyện Quan Sơn điều hai máy xúc xử lý các điểm sạt lở trên đường giao thông từ quốc lộ 217 qua xã Tam Thanh, Tam Lư, thông tuyến lên cột mốc H5 đường tuần tra biên giới. Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Vũ Văn Ðạt cho biết, hiện bảy bản thuộc bốn xã trong huyện còn bị lũ cô lập; ta-luy dương bên quốc lộ 217, tại km 23 thuộc xã Trung Tiến và km 58 thuộc xã Sơn Ðiện phát sinh vết nứt lớn.

Tại huyện Lang Chánh mưa lũ cũng khiến 663 hộ với 2.367 người bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đe dọa. Trước đó, ngày 19-7, lũ quét đã làm bốn người chết và mất tích tại bản Hắc, xã Trí Nang. Chủ tịch UBND xã Trí Nang Hà Văn Tằm cho biết, chính quyền xã đã sớm tuyên truyền, vận động 60 hộ ở khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất sơ tán, di chuyển đến nơi an toàn. Theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh: Các xã đã di chuyển 114 hộ, 457 nhân khẩu khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Huyện đang huy động nhân lực, phương tiện khắc phục sạt lở tại km143, quốc lộ 16; đường tỉnh lộ 530B tại bản Cháo, xã Lâm Phú; đường giao thông nông thôn từ bản Poọng đi bản Húng, xã Giao Thiện; xử lý đường tràn bản Mè thuộc xã Yên Khương bị xói lở, sập gãy bê-tông hai đầu mố cống tràn.

RƯỚC diễn biến phức tạp của mưa lũ do hoàn lưu bão, lãnh đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, Chủ tịch UBND các huyện trực tiếp đi kiểm tra, rà soát tình hình tích nước hồ chứa, chỉ đạo vận hành xả lũ bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên sông Chu Lê Văn Thủy cho biết, 15 giờ ngày 18-8, mực nước trong lòng hồ Cửa Ðạt là 107,6 m và đơn vị đang vận hành xả 2.000 m3 nước/ giây; hồ Yên Mỹ đang xả 50 m3 nước/giây, bảo đảm mực nước trong hồ luôn dưới mực nước dâng bình thường. Các xí nghiệp thủy nông đã vận hành 30 trạm, 150 máy bơm, tổng công suất tiêu thoát nước gần 400 nghìn m3 nước/giờ. Trước đó, các đơn vị trực thuộc công ty cùng các địa phương chủ động khơi thông dòng chảy, mở cống tiêu thoát nước đệm cho nên hơn 40 nghìn ha lúa trong vùng tiêu tự chảy và hơn 20 nghìn ha lúa trong vùng tiêu động lực hiện không bị ngập.

Chiều tối 18-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: bão, mưa, lũ đã làm ba người ở các địa phương bị chết, mất tích; đổ sập hoàn toàn bốn ngôi nhà kiên cố, nước ngập 1.243 nhà dân, 1.278 ha lúa, 1.683 ha sắn, mía, vừng, đậu, 33 ha cây ăn quả, 133 ha cây công nghiệp; 6 ha lúa bị vùi lấp, 3.753 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ðặc biệt các tuyến quốc lộ 15, 16, 217; nhiều tuyến tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới bị sạt lở gần 164.000 m3, hơn 66.000 m3 mặt đường, rãnh thoát nước bị hư hỏng, sa bồi; chín cống, đường tràn, cầu đường tràn bị sập, hư hỏng…

Theo MAI LUẬN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm