Theo Luật, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị chốt sổ BHXH nộp cho cơ quan BHXH để chốt sổ và trả sổ cho người lao động.
Khoản 2, Điều 18 Luật BHXH quy định về quyền của người lao động, "được cấp và quản lý sổ BHXH". Tại Khoản 3, Điều 19 quy định, trách nhiệm của người lao động là "bảo quản sổ BHXH".
Tại Khoản 5, Điều 21 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động: "Phối hợp với Cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật".
Như vậy, khi người lao động chấm dứt hợp đồng hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật thì đơn vị sử dụng lao động phải có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị chốt sổ BHXH nộp cho cơ quan BHXH để chốt sổ và trả sổ cho người lao động.
Trong trường hợp công ty không thực hiện việc chốt sổ BHXH cho người lao động khi nghỉ việc, thì người lao động có thể làm đơn đề nghị ban giám đốc công ty giải quyết hoặc làm đơn gửi tới Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty có trụ sở đề nghị giúp đỡ hoặc khởi kiện công ty ra tòa để được nhận lại Sổ BHXH./.
Theo PV/VOV.VN