Tại 43 tỉnh, thành phố đang thiếu gần 76.000 giáo viên, trong đó bậc học mầm non thiếu đến 40.000 người.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên khá phổ biến ở nhiều địa phương và diễn ra từ vài năm nay. Đáng chú ý trong năm nay, riêng bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ.
Cụ thể, bậc trung học cơ sở thiếu 10.000 giáo viên, nhưng đồng thời cũng lại thừa 12.000 giáo viên. Bậc trung học phổ thông thiếu trên 3.000 giáo viên.
Trước Năm học mới, nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng thừa-thiếu giáo viên (ảnh minh họa)
Tại các địa phương, nghịch lý thừa, thiếu giáo viên đều có chung một “công thức” đó là đội ngũ giáo viên đang thừa nơi này nhưng lại thiếu nơi khác, thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác. Thừa, thiếu cục bộ xảy ra ngay trong quy mô nhà trường, trong 1 huyện, giữa các huyện trong 1 tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang nêu thực tế: “Chúng tôi có tổng số giáo viên là 972. Đối với cấp mầm non thiếu 44 cô, đối với tiểu học thiếu 22 cô so với định biên, trung học thì tạm ổn, nhưng lại thiếu về cơ cấu bộ môn. Có thể đầu môn này thừa, nhưng đầu môn kia lại thiếu. Bởi lẽ, với các thầy cô làm công tác giảng dạy đặc biệt là với đối tượng giáo viên mà nghỉ 2 lại tuyển 1 thì thiết nghĩ với 2 đầu môn, 1 cô giáo Toán, 1 cô Văn nếu 2 cô nghỉ mà được tuyển 1 thì đương nhiên chúng tôi đã thiếu về cơ cấu bộ môn rồi. Thứ 2 nữa là học sinh, quy mô phát triển trường lớp thì thường năm nay lại cao hơn năm trước”.
Công tác quy hoạch dẫn đến thừa- thiếu cục bộ
Lý giải về nguyên nhân xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên, đặc biệt là ở bậc học mầm non, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, do du cầu học của trẻ ở các bậc mầm non, tiểu học đang tăng nhưng giáo viên và quy mô trường lớp không theo kịp tốc độ tăng của trẻ, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Công tác quy hoạch, dự báo ở các địa phương hạn chế dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên. Cá biệt, ở một số địa phương xảy ra tình trạng cán bộ trước khi nghỉ hưu đã tuyển dụng một loạt giáo viên mà không tính toán đến nhu cầu thực tế ở từng bậc học khiến giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thì thừa, còn bậc mầm non, tiểu học thì lại thiếu.
Một nguyên nhân nữa cũng được nhiều địa phương nêu ra đó là khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế thì vừa không được giao chỉ tiêu biên chế lại vừa phải cắt giảm giáo viên dẫn đến thiếu giáo viên ở các cấp học.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: “Với biên chế theo quy định giảm 10% từ nay đến năm 2021, Phú Thọ hiện có hơn 24.000 giáo viên, nếu giảm như vậy giảm trên 2400 giáo viên mà hiện nay riêng giáo viên mầm non thì đang thiếu rất gay gắt giống như nhiều tỉnh trong cả nước. Vấn đề đặt ra là ở các tỉnh thì giảm thế nào, trong khi học sinh vào lớp tăng lên. Giải pháp của chúng tôi chỉ có thể chuyển từ công lập sang tư thục nhưng mà hiện nay tỉnh mới chỉ có vài trường tư thục”.
Để giải quyết tình trạng này, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp tình thế là cho phép điều chuyển giáo viên thừa từ cấp học trên xuống dạy ở cấp học dưới theo chương trình chuẩn mà Bộ quy định.
Tuy nhiên, khi triển khai chương trình này tại một số địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập gây bức xúc cho giáo viên và gây nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Một số trường thiếu giáo viên phải ký hợp đồng lao động với giáo viên để đảm bảo dạy và học, nhưng lại lo lắng vì vi phạm quy định.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang nói: “Trong 3 năm qua, Kiên Giang luôn thiếu biên chế giáo viên từ 700 đến 1.000 đặc biệt là ngành học mầm non. Trung ương quy định không được sử dụng hợp đồng lao động nếu ở đó đã sử dụng hết biên chế. Nhưng nếu không hợp đồng lao động thì làm sao mà dạy học cho học sinh, lấy giáo viên ở đâu mà dạy. Nhu cầu của nhân dân với chức năng nhiệm vụ của ngành chúng tôi vẫn tiếp tục hợp đồng, vẫn làm như vậy thì có vi phạm pháp luật hay không?”.
Dù tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đã diễn ra từ vài năm nay và trước thời điểm năm học mới lại được nêu ra nhưng một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo khó có thể giải quyết được do thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ.
Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ - ngành trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, rà soát về dân số từ năm 2015-2018, số lượng học sinh, số lượng giáo viên cả biên chế và hợp đồng để báo cáo Chính phủ và đề xuất phương án giải quyết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các địa phương không tinh giản biên chế một cách cơ học đối với đội ngũ giáo viên: “Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu từ nay đến năm 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên. Nghị quyết sẽ chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp.
Còn tinh thần là phải đủ giáo viên để dạy. Sắp xếp trường lớp cũng phải trên điều kiện thực tế ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và gia đình, bảo đảm học sinh được học 2 buổi/ngày, bảo đảm sĩ số; giáo viên cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa - thiếu hay tinh giản”.
Đến thời điểm này, chính quyền địa phương và ban, ngành chức năng đang tích cực giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên, nhưng chưa thể thực hiện xong ngay trong năm học mới 2018-2019. Vì vậy, việc dạy và học ở nhiều trường vẫn sẽ gặp khó khăn do thiếu giáo viên, thiếu lớp học./.
Theo Minh Hường/VOV.VN