Nhiều địa phương đang tiến hành sáp nhập trung tâm dân số (TTDS) vào trung tâm y tế (TTYT) thành TTYT đa chức năng. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối các đơn vị được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, việc sắp xếp này cũng đang khiến nhiều cán bộ làm công tác dân số băn khoăn, lo lắng, nhất là khi chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như mô hình thống nhất.
Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, Thái Bình) trao đổi về công tác dân số.
Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể chung trong cả nước khi sáp nhập TTDS vào TTYT, nhưng đến nay có khoảng 10 tỉnh, thành phố quyết định sáp nhập. Tuy nhiên, điều thấy rõ là mỗi tỉnh, thành phố đang sáp nhập theo cách khác nhau. Tỉnh Quảng Ninh đã sáp nhập nguyên trạng TTDS vào thành một phòng trong TTYT tuyến huyện; viên chức dân số xã về trạm y tế xã. Nhưng do chưa có hướng dẫn bổ nhiệm lãnh đạo phòng, do đó nguyên giám đốc và phó giám đốc TTDS vẫn chưa có chức danh để hoạt động tại phòng mới ở TTYT.
Tại Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Tô Hồng Quang cho biết: Toàn tỉnh sẽ thống nhất một mô hình đó là TTYT có ba phòng và năm khoa, trong đó có phòng dân số truyền thông giáo dục sức khỏe. Vì dân số là một mảng có tính đặc thù, nên ngành y tế tỉnh Thái Bình đã thống nhất sau khi sáp nhập giám đốc TTDS sẽ làm phó giám đốc TTYT. Các cán bộ, cộng tác viên dân số có nhiều băn khoăn và lo lắng khi sáp nhập vào với hệ thống y tế thì vị trí, công việc của nhiều cán bộ cũng có sự thay đổi. Tuy nhiên, việc giữ được nguyên trạng bộ máy làm công tác dân số và việc sáp nhập nêu trên sẽ giúp cho công tác y tế, dân số hỗ trợ nhau tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Hà Nội cũng đã có quyết định bàn giao nguyên trạng toàn bộ tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính TTDS về TTYT. Sở Nội vụ Hà Nội đã có văn bản quy định rõ giám đốc TTDS sẽ làm phó giám đốc TTYT, các phó giám đốc TTDS sẽ là trưởng, phó phòng DS-KHHGĐ. Hà Nội có một điểm khác các địa phương là giữ nguyên bộ máy dân số hoạt động ở tuyến xã.
Từ cách làm còn đang khác nhau giữa các địa phương, Chi cục trưởng DS-KHHGĐ tỉnh Bình Thuận Cao Đức Cường cho rằng cần có một mô hình cụ thể ở tuyến huyện. Công tác y tế thường thấy kết quả ngay trước mắt trong khi đó, công tác dân số phải năm, mười năm, thậm chí dài hơn mới có kết quả. Mặt khác, nếu giám đốc TTYT quan tâm đến công tác dân số thì mới phát triển mạnh được, nếu không sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ vì công tác dân số hiện nay chuyển từ KHHGĐ sang dân số và phát triển với nhiều công việc mới. Giám đốc TTDS huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) Nguyễn Kim Bảng cho rằng: Để hoạt động hiệu quả sau khi sáp nhập, phải tạo được vị thế rất rõ của công tác dân số trong bộ máy tổ chức của TTYT cấp huyện. Do đó, khi sáp nhập cần bố trí cho được giám đốc TTDS ít nhất là phó giám đốc TTYT phụ trách lĩnh vực dân số. Giám đốc TTDS huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) Nguyễn Quang Trung đánh giá: Công tác dân số là việc làm khó. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, cán bộ chuyên trách dân số không chỉ vận động một lần mà phải đi đến từng hộ dân, vận động người dân hai, ba lần, thậm chí nhiều hơn mới có kết quả. Mặt khác, khi sáp nhập dân số vào y tế, những cán bộ làm dân số có chuyên môn về y tế dễ bị sử dụng vào công việc của y tế, công tác dân số dễ bị chi phối, lơ là.
Trong khi còn nhiều băn khoăn cho mô hình tuyến huyện, thì một vài tỉnh đã chuẩn bị sáp nhập chi cục dân số thành một phòng của sở y tế. Điều này đã gây sự lo lắng rất lớn cho công tác dân số ở địa phương. Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Nguyễn Tuấn Hưng chia sẻ, chủ trương, quan điểm của Bộ Y tế không hề có yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố sáp nhập chi cục vào thành một phòng của sở y tế. Bộ Y tế đã có Công văn số 1619/BYT-TCCB ngày 26-3-2018 gửi UBND 63 tỉnh, thành phố trong đó đề nghị quan tâm chỉ đạo xây dựng đề án sớm kiện toàn, phê duyệt mô hình TTYT huyện đa chức năng gồm: Y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dân số.
Tại Hội nghị chuyên đề công tác DS - KHHGĐ được tổ chức mới đây, lãnh đạo Tổng cục DS - KHHGĐ đánh giá: năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Theo đó, Nghị quyết số 21 nhấn mạnh, công tác dân số trong tình hình mới tiếp tục chuyển hướng chính sách, chiến lược, chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển; giải quyết toàn diện các vấn đề dân số của đất nước cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước… Cùng đó, ngành dân số cũng phải thực hiện việc tinh giản bộ máy; ngân sách cho công tác dân số thì ngày càng hạn hẹp, thậm chí có tỉnh không hỗ trợ kinh phí cho công tác này. Tổng cục trưởng DS-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú cho rằng, bối cảnh đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với đội ngũ làm công tác dân số từ Trung ương tới cơ sở. Báo cáo của các địa phương cho thấy, công tác dân số mới hoàn thành 4 trong số 6 chỉ tiêu cơ bản và 3 trong số 7 chỉ tiêu chuyên môn do Bộ Y tế giao. Bên cạnh đó các chỉ tiêu về số người mới sử dụng biện pháp tránh thai, số trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm còn thấp và khó đạt.
Làm thế nào để đạt được hiệu quả hoạt động sau khi sáp nhập đang là một câu hỏi lớn đối với những người làm công tác dân số ở cơ sở. Để đạt được những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế đề ra, đòi hỏi bộ máy làm công tác dân số phải sớm ổn định, kiện toàn; đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ Trung ương đến cơ sở đoàn kết, tìm ra hướng giải quyết. Đồng thời, cũng không thể thiếu sự ủng hộ của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương.
Theo THANH MAI/nhandan.com.vn