Cập nhật: 04/09/2018 14:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mỗi dịp chuẩn bị năm học mới, các trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đều được đầu tư kinh phí để hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất. Tuy nhiên, việc đầu tư cho các khu nhà vệ sinh ở các trường học xưa nay vẫn được coi là “công trình phụ” chưa được sự quan tâm đúng mức, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng học tập và tâm lý của học sinh.

Học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) phải sử dụng nhà vệ sinh xuống cấp. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Trên địa bàn thành phố Ninh Bình hiện có 44 trường từ bậc mầm non đến trung học cơ sở, trong đó có 41 trường công lập và 3 trường tư thục do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố quản lý. Theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình, nhà vệ sinh ở nhiều trường học xây dựng không đúng quy chuẩn, nhiều nhà vệ sinh đã xuống cấp trầm trọng.

Năm học 2018-2019, trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Ninh Bình có 981 học sinh ở 25 lớp học. Tuy nhiên số lượng và chất lượng các công trình vệ sinh chưa thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh; mỗi khu vệ sinh nam, nữ chỉ có một bệ cầu và khu tiểu tiện 15m2. Không những vậy, khu nhà vệ sinh còn xuống cấp trầm trọng, tường rêu bám, trần bị bong tróc. Hệ thống cấp nước, tiêu thoát nước không đảm bảo, mỗi khi trời mưa công trình lại bị ngập lụt ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của học sinh.

Bà Hoàng Thị Thu, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết, tình trạng xuống cấp của nhà vệ sinh đã xảy ra trong thời gian dài. Để tạm thời giải quyết tình trạng này, Ban Giám hiệu nhà trường phải có kế hoạch cho khối 1 và khối 2 ra chơi trước 5 phút sau đó mới cho các khối còn lại ra chơi. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, không giải quyết được triệt để vấn đề.

Cùng chung tình trạng với trường Tiểu học Lê Hồng Phong, khu nhà vệ sinh của trường Trung học cơ sở Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình cũng phải chịu quá tải, khu nhà vệ sinh chỉ có 2 bệ cầu phục vụ hơn 800 học sinh.

Bà Phùng Thị Yến Nhi, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đinh Tiên Hoàng cho biết, khu nhà vệ sinh của trường đã được xây dựng từ hơn 10 năm nay. Trước đây, khu nhà vệ sinh này được xây dựng chỉ để phục vụ 300 – 400 học sinh, tuy nhiên số lượng học sinh ngày càng tăng, công trình lại xuống cấp trầm trọng, hầu hết đường nước, bể phốt của các công trình vệ sinh đều có dấu hiệu hư hỏng, dẫn đến tình trạng thường xuyên bị tắc, mất nước, không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Do chất lượng nhà vệ sinh kém, nhiều học sinh có tâm lý ngại sử dụng nhà vệ sinh ở trường.

Em Lưu Thị Minh Tâm, học sinh lớp 9A trường Trung học cơ sở Đinh Tiên Hoàng cho biết: Ở trường, chúng em vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh xuống cấp, vòi nước rửa tay thường xuyên không sử dụng được nên em rất sợ và ngại mỗi khi đi vệ sinh ở trường.

Do cơ sở vật chất, điều kiện hạ tầng mặt bằng hạn chế, điều kiện kinh tế không cho phép, các trường công lập sĩ số quá cao. Rất nhiều trường học tại địa phương dù về cơ bản các điều kiện vệ sinh đều đảm bảo nhưng vẫn còn tình trạng bốc mùi, mất vệ sinh. Lý giải nguyên nhân này, lãnh đạo các trường đều cho rằng học sinh quá đông, trong khi đội ngũ lao công dọn dẹp lại hạn chế. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này chính là do ý thức của các em học sinh. Việc các em đi vệ sinh không xả nước, vứt giấy vệ sinh bừa bãi, đi không đúng nơi quy định không phải hiếm gặp.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình Bùi Quang Vinh cho biết, năm học 2018-2019 học sinh từ bậc mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Ninh Bình đều tăng cao. Trong đó bậc Tiểu học tăng hơn 1.000 học sinh và trung học cơ sở tăng hơn 400 học sinh so với năm học trước. Những năm qua, các trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở đều được đầu tư kinh phí xây dựng khá đầy đủ về phòng học và trang thiết bị, nhưng riêng công trình nhà vệ sinh lại chưa được quan tâm đúng mức nên các công trình hầu hết đều bị xuống cấp.

Bên cạnh việc khuyến khích các trường đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, tăng cường công tác vệ sinh các khu nhà vệ sinh trường học, trong năm học này phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã trích kinh phí hỗ trợ sửa chữa, xây mới 3 khu nhà vệ sinh tại các trường Trung học cơ sở Ninh Sơn, Trung học cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Tiểu học Lê Hồng Phong với số tiền trên 2 tỷ đồng.

Thực trạng nhiều nhà vệ sinh trường học xuống cấp, quá tải đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Vì vậy, nhằm tăng cường chất lượng môi trường giáo dục, xây dựng môi trường học tập xanh-sạch-đẹp, góp phần bảo vệ sức khỏe học sinh, ngành giáo dục thành phố Ninh Bình nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung cần có các biện pháp nhanh chóng giải quyết vấn đề này./.

Theo THÙY DUNG (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/nam-hoc-moi-can-quan-tam-dau-tu-xay-nha-ve-sinh-trong-truong-hoc/522542.vnp

 

Tệp đính kèm