Cập nhật: 07/09/2018 11:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm học 2017-2018 đi qua, công tác giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) để lại nhiều kết quả tích cực nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập, hạn chế. Kết quả tích cực là những bước đi có lộ trình dài, đòi hỏi sự kiên trì của ngành đã bước đầu có kết quả; bất cập, hạn chế là quá trình đổi mới vẫn có những vấn đề gây băn khoăn trong xã hội.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2018-2019 (Ảnh: DUY LINH)

Vì vậy, với những người làm giáo dục, bất cập, hạn chế của năm học vừa qua cần được nhìn nhận thẳng thắn để toàn ngành bước vào năm học mới 2018-2019 với quyết tâm và trách nhiệm thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT.

Năm học 2017-2018, toàn ngành giáo dục đã triển khai chín nhiệm vụ chủ yếu và năm giải pháp cơ bản nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng GD và ÐT. Trong đó, những nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng đã đạt được những kết quả quan trọng. Sau khi cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, mạng lưới trường, lớp mầm non tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển nhanh chóng. Bậc học đầu đời của trẻ đã được chăm lo nhiều hơn, thể hiện qua những chính sách ưu tiên về học phí, bữa ăn trưa, thu nhập cho giáo viên…

Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo nhưng giáo dục mầm non đang ngày càng được quan tâm để tương xứng với ý nghĩa của bậc học nền tảng ban đầu. Trong khi đó, giáo dục phổ thông đánh dấu những đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. Giáo dục đại học (ÐH) tiếp tục có những chuyển biến, mục tiêu nâng cao chất lượng, mô hình tự chủ đại học dần được định hình và được xã hội chấp nhận, văn hóa kiểm định chất lượng từng bước được hình thành trong các cơ sở giáo dục đại học.

Trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh với 100% trường THPT có ít nhất một phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn Tin học, 100% cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng có phòng máy tính, mạng nội bộ và kết nối in-tơ-nét phục vụ cho học tập và nghiên cứu khoa học... Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp được nâng lên không ngừng. Ngành giáo dục triển khai rà soát, xây dựng các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông; chuẩn giảng viên sư phạm; ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp...

Ðáng chú ý, điểm nhấn trong thành tựu giáo dục năm học vừa qua chính là sự ghi nhận của quốc tế đối với GD và ÐT nước ta. Ðội tuyển Việt Nam tham dự ô-lim-pích khu vực và thế giới các môn văn hóa tiếp tục khẳng định được vị thế khi toàn bộ thí sinh dự thi đều đoạt giải. Ðối với giáo dục ÐH, số lượng cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế và trong nước tăng lên đáng kể. Vị thế các trường ÐH của Việt Nam trong bảng xếp hạng châu Á, thế giới ngày càng tăng. Ngày 15-3 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã ra thông cáo báo chí khẳng định, sự phát triển hệ thống giáo dục của Việt Nam là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quý cho các quốc gia khác trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số hạn chế, bất cập vốn tồn tại từ lâu của ngành giáo dục đã bộc lộ rõ hơn trong năm học 2017-2018. Ðó là tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm. Những vi phạm về kỷ cương, nền nếp trường học, bạo lực học đường vẫn xảy ra, cá biệt có vụ việc liên quan đạo đức nhà giáo. Vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống. Ðáng chú ý, kỳ thi THPT quốc gia triển khai từ năm 2015 đã góp phần làm giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, tạo điều kiện cho học sinh có thêm nhiều lựa chọn vào đại học. Tuy nhiên, kỳ thi năm nay đã phát hiện những sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại một số địa phương, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội...

Bước sang năm học 2018-2019, ngành giáo dục tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế với chín nhiệm vụ chủ yếu và năm giải pháp cơ bản nhằm thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện. Toàn ngành nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và thực hiện tốt vệ sinh trường học; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên. Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nhất là thực hiện xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo. Thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết 19 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII.

Mỗi cấp, bậc học triển khai những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng. Trong đó, giáo dục mầm non sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển trường lớp mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Chú trọng giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ. Giáo dục phổ thông tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, trong đó chú trọng việc rà soát, điều chỉnh các khâu của kỳ thi THPT quốc gia để bảo đảm một kỳ thi thật sự an toàn, công bằng và khách quan.

Năm 2019, Bộ GD và ÐT sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi, cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng chấm tập trung từng cụm và tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD và ÐT và trách nhiệm đối với các hội đồng thi. Năm học 2018 - 2019 là năm nước rút để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu. Vì vậy, đây sẽ là năm mà ngành giáo dục phải tập trung nguồn lực cho đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được yêu cầu triển khai chương trình theo lộ trình từng năm, cần phải tập trung nhiều hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất và đào tạo, đào tạo lại đội ngũ. Việc này không thể riêng ngành giáo dục làm được mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.

Kết thúc năm học 2017 - 2018 cũng là kết thúc ba năm giáo dục đại học thí điểm mô hình tự chủ và đã được định hình ngày càng rõ nét, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành trong các cơ sở giáo dục đại học. Ðến ngày 15-8, cả nước có 117 cơ sở giáo dục đại học, 3 trường cao đẳng sư phạm, mười chương trình đào tạo được công nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước; sáu cơ sở giáo dục đại học, 106 chương trình đào tạo được công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Ðó là tiền đề để năm học 2018 - 2019, giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Hiện nay, Bộ GD và ÐT đã giao ba trường đại học (Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Kinh tế quốc dân và Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) xây dựng Ðề án thí điểm không có cơ quan chủ quản để trình Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, năm học mới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, trong đó thí điểm triển khai mô hình trường đại học tự chủ không có bộ chủ quản để đánh giá, rút kinh nghiệm, tiến tới thực hiện cơ chế không có bộ chủ quản cho toàn bộ hệ thống.

Bước vào năm học 2018 - 2019, cũng là trải qua 5 năm, ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT. Bên cạnh những thuận lợi thì cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Toàn ngành giáo dục sẽ nỗ lực không ngừng với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất để thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT, mang lại niềm tin trong xã hội và góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước.

GS, TS PHÙNG XUÂN NHẠ

Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng GD và ĐT

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm