Cập nhật: 09/09/2018 08:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau hơn một năm thực hiện sắp xếp, điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, tình hình hoạt động các bến xe khách tại Hà Nội đã được cải thiện, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tốt hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Xe khách thương hiệu Đoàn Xuân (đi Hải Phòng) dừng đón khách tại đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tuy nhiên, để giúp các bến xe cùng các doanh nghiệp hoạt động ổn định, vẫn cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong việc xử lý tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng trá hình đang hoạt động ngày càng công khai, cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Đau đầu với xe khách trá hình

Từ ngày 2-1-2017, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội tiến hành điều chỉnh 691 nốt xe khách liên tỉnh với 20.396 chuyến/tháng (trung bình 680 chuyến/ngày), tập trung chủ yếu tại ba bến xe lớn: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, sau khi điều chuyển luồng tuyến xe khách liên tỉnh, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường vành đai 3, khu vực bến xe Mỹ Đình có nhiều chuyển biến, giảm ùn tắc giao thông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, nhất là vào các dịp lễ, Tết.

Thời gian đầu, một số doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do phải thay đổi phương án kinh doanh; lượng khách có phần sụt giảm, gây nên tâm lý lo lắng; thậm chí, có thời điểm một số doanh nghiệp đã phản ứng khá gay gắt với Sở GTVT cũng như thành phố. Tuy nhiên đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cùng biện pháp hỗ trợ di chuyển bằng xe buýt từ bến xe đến bến xe, từ bến xe đến các khu vực của thành phố, nên đã tạo thành thói quen cho người dân tại những bến mới.

Nhưng sau một thời gian hoạt động ổn định trở lại, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải lại đối mặt nỗi lo khác là nạn xe “dù”, bến “cóc”. Anh Phạm Văn Hưng, cán bộ điều hành Công ty cổ phần Vận tải ô-tô Ninh Bình cho biết, tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe Limousine dưới chín chỗ len lỏi vào khu vực nội thành không chỉ làm mất trật tự an toàn giao thông, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải tuyến cố định. Công ty cổ phần Vận tải ô-tô Ninh Bình dù có 80 nốt xe chạy tuyến Giáp Bát - Ninh Bình, song thực tế số lượt xe đang hoạt động chỉ đạt 50 đến 60%, do không có khách.

Tình trạng xe “dù”, bến “cóc” đang hoạt động ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn giao thông. Bến “cóc” trước cửa nhà số 66 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), hằng ngày lái xe khách các thương hiệu: Đoàn Xuân (đi Hải Phòng); Hà Thì (đi Thái Bình)… cùng nhiều xe Limousine ngang nhiên dừng xe trên lòng đường chờ đợi hoặc mời chào khách, mở cốp chất hàng, bất chấp việc gây cản trở các phương tiện đang lưu thông trên đường. Vào các ngày cuối tuần, từ sáng sớm đến chiều tối, bến “cóc” này tập trung hàng trăm lượt khách. Có thời điểm xe khách đỗ tràn cả lên vỉa hè, chắn hết lối của người đi bộ; hoặc dừng ngay trên lòng đường, gây ùn tắc hướng đi từ phố Nguyễn Trãi ra đường Vành đai 3.

Công khai hơn, các doanh nghiệp vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng đã thành lập văn phòng đại diện tại các tuyến phố chung quanh Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, sử dụng xe dưới 9 chỗ để vận chuyển hành khách như tuyến cố định. Những trường hợp này còn khó xử lý hơn, bởi theo quy định hiện hành, loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được thực hiện theo hợp đồng vận tải, là sự thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê. Các đơn vị kinh doanh vận tải được đón, trả khách tại các điểm đã ghi trong hợp đồng. Khi vận chuyển hành khách, lái xe mang theo hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách.

Chính vì thế, doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách hợp đồng thường “lách luật” theo hướng này để “qua mặt” các cơ quan chức năng, chạy tuyến cố định. Dù biết rõ những doanh nghiệp đó sử dụng xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định, nhưng công tác xử lý của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, vì hầu hết lái xe đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ, hợp đồng với khách, có chăng là xử phạt hành vi dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. “Mấu chốt ở đây là các văn bản quy định loại hình vận tải theo hợp đồng còn có những điều chưa chặt chẽ, chưa theo kịp thực tiễn khiến cho các doanh nghiệp lợi dụng “lách luật”, Phó Phòng Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) Nguyễn Tuyển cho biết.

Mạnh tay hơn với xe “dù”, bến “cóc”

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, để khắc phục tình trạng này, thành phố đã chỉ đạo Thanh tra GTVT, Công an thành phố và chính quyền địa phương thường xuyên duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý hiện tượng “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng trá hình, xe Limousine, xe chạy sai luồng tuyến và các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô- tô trên địa bàn thành phố, nhất là tại khu vực bến xe Mỹ Đình, dọc đường vành đai 3 đến bến xe Nước Ngầm. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tốc độ chạy xe, thời gian làm việc của lái xe, hành trình chạy xe thông qua thiết bị giám sát hành trình (GPS).

Từ đầu năm đến nay, riêng lĩnh vực vận tải hành khách, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5.719 trường hợp, phạt hơn 6,4 tỷ đồng, tạm giữ 59 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn đối với 992 lái xe vi phạm, tước 81 phù hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách. Đối với loại hình vận tải theo tuyến cố định, thu hồi (hoặc đề nghị Sở GTVT các tỉnh, các đơn vị khai thác bến xe từ chối phục vụ) phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” của 31 xe trong một tháng; nhắc nhở, chấn chỉnh và yêu cầu khắc phục 762 xe hoạt động trên các tuyến có điểm đầu, cuối tại Hà Nội; các đơn vị hoạt động dưới 70% đối với 989 nốt giờ trên các tuyến vận tải đi và đến Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục triển khai các tuyến buýt kế cận với những tuyến chiều dài dưới 100 km. Thực tế cho thấy, các tuyến buýt kế cận từ Hà Nội đi Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam,… đang vận hành khá tốt, nhất là tuyến Hà Nội - Bắc Ninh đã khiến cho xe “dù”, bến “cóc” không còn đất sống.

Đối với các tuyến vận tải hành khách không có điểm đầu, cuối tại các bến xe ở Hà Nội, nhưng vẫn chạy qua khu vực trung tâm thành phố, tranh thủ “bắt” khách trên đường Phạm Văn Đồng, cầu Thăng Long, Pháp Vân-Cầu Giẽ, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh hành trình cho phù hợp. Trong năm 2017, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm, sáu tháng đầu năm 2018 xử phạt hơn 200 phương tiện vi phạm lỗi này trên đường Vành đai 3, khu vực bến xe Mỹ Đình và đường Phạm Văn Đồng.

Bên cạnh các biện pháp nêu trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, về lâu dài các bến xe cần tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ. Nếu bến xe văn minh, hiện đại, tạo cảm giác an toàn, thân thiện thì hành khách sẽ tự tìm đến để sử dụng dịch vụ, thay vì đứng bên đường chờ xe, từ đó sẽ hạn chế tình trạng xe “dù”, bến “cóc”.

Theo QUỐC TOẢN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm