Ngày 8/9, tại thành phố Hải Phòng, Dự án mô hình phòng chống bệnh liên quan đến lối sống tại thành phố Hải Phòng, do tỉnh Kagawa (Nhật Bản) thực hiện, đã tiến hành buổi truyền thông cộng đồng dành cho người dân nhằm phổ biến thông tin và kiến thức phòng chống các bệnh liên quan đến lối sống như thừa cân, béo phì, đái tháo đường…
Một buổi truyền thông phòng chống dịch bệnh cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hoạt động truyền thông định kỳ hàng năm này của Dự án trước đây chỉ giới hạn trong phụ huynh và học sinh các trường học mẫu trong Dự án nhưng lần này được mở rộng ra đối tượng là người dân trong độ tuổi từ 30-69 sinh sống tại phường Hùng Vương.
Dự án mô hình phòng chống bệnh liên quan đến lối sống tại thành phố Hải Phòng là Dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở thuộc Chương trình Đối tác Phát triển (JPP) của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), do Tỉnh Kagawa, Nhật Bản phối hợp thực hiện với đối tác Việt Nam là Trung tâm Y tế Dự phòng Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cùng các trường học mẫu, thực hiện trong thời gian 3 năm từ tháng 3/2016-2/2019.
Dự án nhắm tới mục tiêu thiết lập một mô hình ngăn ngừa các bệnh liên quan đến lối sống và phổ biến thông tin trong tất cả các trường học ở thành phố Hải Phòng; đào tạo cán bộ y tế của trường mẫu, xây dựng mô hình phòng chống bệnh liên quan đến lối sống; hướng tới hoàn thiện thể chế thực hiện như lồng ghép vào chương trình giáo dục, tổ chức các khóa đào tạo theo nhu cầu thực tế.
Dự án đã tổ chức khám sức khỏe (đo chiều cao, cân nặng, tính chỉ số khối cơ thể BMI), phỏng vấn thói quen ăn uống và sinh hoạt để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, mức độ béo phì và các yếu tố liên quan của học sinh tại hai trường mẫu là Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (năm 2016) và trường Tiểu học Lê Hồng Phong (năm 2017).
Khảo sát học sinh khối lớp 4 tại hai trường mẫu cho thấy tỷ lệ học sinh thừa cân rất cao: 48,7%-51,8%, tỷ lệ học sinh béo phì: 22,9%-24,1%; còn nhiều học sinh có thói quen ăn uống, sinh hoạt có nguy cơ tăng tỷ lệ thừa cân - béo phì như: ăn no, ăn nhanh, bỏ bữa, ăn tối muộn, ăn nhiều thịt, ít tham gia hoạt động thể lực, ngủ muộn. Hoạt động thể lực của học sinh chủ yếu diễn ra tại trường, thời gian dành cho hoạt động thể lực còn ít.
Với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia Nhật Bản, Dự án đã đào tạo cho các cán bộ y tế kiến thức phòng chống bệnh liên quan đến lối sống, góp phần thực hiện chương trình giáo dục phòng chống bệnh liên quan đến lối sống.
Thông qua Dự án, các trường học lồng ghép truyền thông nâng cao nhận thức dự phòng bệnh liên quan đến lối sống và bảo vệ sức khỏe trong chương trình giảng dạy chính khóa và hoạt động ngoại khóa của trường học. Góp phần nâng cao năng lực (đặc biệt về truyền thông giáo dục) cho cán bộ y tế, cán bộ nhà trường.
Các buổi truyền thông của Dự án đã giúp bước đầu thay đổi nhận thức cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh về bệnh liên quan lối sống. Ngoài ra, Dự án cũng biên soạn tài liệu truyền thông hướng dẫn phòng chống các bệnh liên quan đến lối sống./.
Theo ĐỨC MINH (VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-ho-tro-truyen-thong-phong-benh-lien-quan-den-loi-song/523508.vnp