Ngay trước thềm năm học mới, những vấn đề liên quan việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa (SGK) lại làm dư luận xã hội xôn xao, với rất nhiều băn khoăn, tranh cãi và lo lắng. Trong khi đó, các chuyên gia cũng bày tỏ nghi ngại bởi những “lỗ hổng” về cơ chế, quy trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng “một chương trình, nhiều SGK” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang gấp rút xây dựng.
Quy trình biên soạn chương trình, SGK thời gian qua bị đánh giá là thiếu tính khoa học, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ảnh: ĐĂNG ANH
Tưởng mới hóa cũ
Điều gây hoang mang dư luận, hóa ra, lại đã tồn tại suốt gần 40 năm qua, và đến nay phương pháp “Công nghệ giáo dục” (CNGD) này đã được khoảng 50 tỉnh, thành phố áp dụng, không ít nơi triển khai tới 100% trường tiểu học. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhìn nhận không phải vì thế mà khẳng định nó là phương án tối ưu. Cũng như bất cứ phương pháp giáo dục nào đều có những ưu điểm và hạn chế của nó. Một vị lãnh đạo Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội cho biết, sở dĩ các trường công lập của Hà Nội chưa bao giờ áp dụng bộ tài liệu này vì thấy việc thực hiện SGK tiếng Việt đại trà vẫn phù hợp hơn, học sinh được luyện nhiều kỹ năng hơn. Vị này cũng cho rằng việc một phương pháp, một bộ SGK có thể rất phù hợp với đối tượng học sinh này nhưng hoàn toàn không được giáo viên và học sinh ở nơi có điều kiện khác biệt đón nhận là hoàn toàn bình thường. Chính vì thế, mới cần thiết phải áp dụng một chương trình, nhiều sách giáo khoa.
Trong khi nhiều phụ huynh chưa thôi lo lắng với những gì xảy ra, thì Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích rõ ràng những băn khoăn này, ít nhất là để các em học sinh yên tâm bước vào năm học mới.
Từ phản ứng của dư luận cho thấy, lâu nay chúng ta đã quá coi trọng SGK. Một số chuyên gia còn khẳng định, giáo viên bị lệ thuộc vào SGK khá nhiều, trong khi xu hướng giáo dục hiện đại coi trọng nhiều hơn sự sáng tạo của giáo viên, sao cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.
Bất cập cả quy trình lẫn hệ thống
Hành trình “long đong” của bộ SGK thí điểm công nghệ giáo dục như là minh chứng sinh động cho những bất cập, lộn xộn của cả quy trình lẫn hệ thống trong biên soạn và thí điểm SGK. “Công nghệ giáo dục” khởi đầu là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia của GS Hồ Ngọc Đại, được áp dụng thí điểm từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (nay là PTCS Thực nghiệm) Hà Nội dưới sự quản lý, giám sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (trực thuộc Bộ GD-ĐT). Từ đó đến năm 1985, chương trình được mở rộng ra các tỉnh có nhu cầu. Năm 1990, đề tài này được nghiệm thu, rồi thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục, chương trình này bắt đầu chuyển sang giai đoạn đại trà, thực hiện ở 43 tỉnh, thành phố (tính đến năm 2000). Song cũng chính năm này, do ngành giáo dục lại áp dụng quy định mới “một chương trình, một bộ sách giáo khoa” cùng với việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2000. Một lần nữa đổi mới chương trình và SGK, nhưng ngành giáo dục không hề rút kinh nghiệm hay kế thừa gì từ cuộc “thí điểm CNGD”, và năm 2001, CNGD phải dừng lại.
Điều đáng nói, trong tròn 40 năm qua, dù có thời điểm không tồn tại một cách công khai và rầm rộ, nhưng chương trình CNGD này lại chưa bao giờ bị quên lãng. Chính vì thế dù có lệnh dừng nhưng đến năm 2008, Lào Cai là tỉnh phía bắc cùng với năm tỉnh phía nam là Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đác Lắc, An Giang tiếp tục quay lại triển khai chương trình CNGD. Cho đến năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm thêm một phương pháp, một tài liệu dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 (TV1 - CNGD) với địa phương nào có nhu cầu và đăng ký với Bộ. Để rồi năm học 2013-2014, chương trình này lại bung ra 37 tỉnh, thành phố trong cả nước tự nguyện đăng ký và chính thức áp dụng CNGD cho khoảng 200 nghìn học sinh học lớp 1. Bộ GD-ĐT cũng vì thế đã quyết định không gọi đây là một phương pháp thí điểm nữa mà cho phép thực hiện chính thức với nơi nào có nhu cầu.
Mới đây, chương trình CNGD chịu thêm một lần “sóng gió”, phải thẩm định lại sau 40 năm triển khai, mà nguồn cơn cũng bởi “áp lực dư luận”. Trả lời báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới đã khẳng định, chương trình CNGD không phải là chương trình mới.
Như thế, một chương trình thí điểm từng được Bộ GD-ĐT cho phép, thậm chí có thời điểm phải “lách luật” để thực hiện suốt một thời gian dài để rồi chương trình mới chẳng kế thừa hay rút kinh nghiệm được gì?! Trong khi chủ trương “một chương trình, một bộ SGK” ban hành năm 2000 cũng đã không còn phù hợp.
Ảnh: KHÁNH AN
Cần chủ trương đồng bộ
Rõ ràng, qua những ồn ào dư luận lần này, Bộ GD-ĐT lại cho thấy rõ hơn “lỗ hổng” của những cơ chế, quy trình và hệ thống của ngành giáo dục nói chung, của các đề án liên quan đến đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo nói riêng, trong đó có vấn đề tổ chức thẩm định, biên soạn SGK. Lẽ ra một chương trình - nhiều SGK mới đã được áp dụng ngay từ năm học này (2018-2019), nhưng do gặp không ít trở ngại, Bộ đã phải đề nghị Chính phủ đệ trình Quốc hội cho lùi thời gian áp dụng.
Vấn đề là lùi đến bao giờ, và xã hội hẳn sẽ chẳng yên tâm được, bởi cũng nhiều lần rồi, ở nhiều đề án, ngành giáo dục đã “tự chứng minh” rằng thời gian và kinh phí không tỷ lệ thuận cùng chất lượng.
Trên thực tế, Bộ GD-ĐT đã có Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT về biên soạn, chỉnh sửa SGK theo nguyên tắc biên soạn SGK mới sẽ thực hiện theo chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng nêu rõ: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT được giao tổ chức việc biên soạn một bộ SGK.
Mặc dù hơi muộn, song cơ chế, chủ trương về “một chương trình, nhiều bộ SGK” cũng đã có và được Quốc hội phê duyệt; Thông tư của Bộ GD-ĐT ban hành về quy trình biên soạn, thẩm định SGK cũng cho thấy tinh thần khuyến khích xã hội hóa công tác biên soạn SGK. Thế nhưng, thực tế những gì diễn ra với số phận của một chương trình, bộ sách CNGD thí điểm, thử hỏi có cá nhân, tổ chức nào dám “mạo hiểm” đứng ra biên soạn SGK nữa không?
Không ít ý kiến chuyên gia giáo dục nhận xét, với quy trình biên soạn chương trình, SGK thời gian qua là thiếu tính khoa học, chưa bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học; việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai còn thiếu tính đồng bộ, không đáp ứng được thực tiễn yêu cầu dạy và học… Với chừng đó những bất cập là khó khăn nhãn tiền mà ngành giáo dục còn phải vượt qua, đã khiến mục tiêu năm học 2020-2021 sẽ áp dụng chương trình và SGK mới càng vấp phải nhiều hoài nghi.
Theo KHÚC HỒNG THIỆN/nhandan.com.vn