Cập nhật: 15/09/2018 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Số lượng các nhân vật là nam trong SGK nhiều hơn hẳn số các nhân vật nữ. Nam giới gắn với nghề công an, bác sỹ, nữ giới gắn với nội trợ, nhân viên...

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Lồng ghép giới trong chương trình sách giáo khoa phổ thông (SGK) do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức chiều ngày (14/9).

Theo Hội Liên Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 cho thấy, nhiều biểu hiện bất bình đẳng giới trong SGK như tỉ lệ xuất hiện trong SGK tiểu học 49% dành cho nữ, 51% dành cho nam, THCS 33 nữ, 67% nam, THPT 19% nữ, 81% nam.

Số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa hiện hành. (HLHPNVN)

Đáng chú ý, trong SGK có đến 95% các nhân vật quan trọng, nổi tiếng là nam giới.

Nam giới trong các bài học gắn liền với các ngành nghề như kỹ sư, bộ đội, nhà khoa học, giáo sư, họa sỹ, công an… Nam giới là trụ cột gia đình, có tính hướng ngoại và có tiếng nói quyết định trong gia đình.

Trong khi đó, nữ giới được nhắc đến gắn liền với những công việc như nội trợ, nhân viên, giáo viên, hướng nội và thuộc phái yếu.

Sự chênh lệch giữa các nhân vật nam và nữ tăng dần theo các cấp học, càng lên cao, sự chênh lệch càng lớn.

Bà Trần Thu Thủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chuyên gia về giới cho rằng, những hình ảnh, nội dung mang định kiến giới trong SGK, chương trình giáo dục làm khắc sâu định kiến giới trong nhận thức trẻ em, làm chậm tiến trình đạt được bình đẳng giới thực chất.

Các chuyên gia về giới và giáo dục tại hội thảo cũng đặt ra nhiều vấn đề như trong quá trình đổi mới SGK sắp tới, làm thế nào thúc đẩy bình đẳng giới? Xác định vấn đề giới trong SGK hiện nay như thế nào? Vấn đề giới là phát triển con người, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào sách giáo khoa là vấn đề cấp thiết?

Các ý kiến tham gia tại Hội thảo đều cho rằng, giáo dục về giới và bình đẳng giới cần được chuyển tải nhiều hơn trong quá trình giáo dục giới, ứng với chương trình, SGK mới, cần lồng ghép giới trong quá trình biên soạn, biên tập, xuất bản sách giáo khoa.

Để SGK, chương trình giáo dục phổ thông thúc đẩy bình đẳng giới, cần đảm bảo sự cân đối về hình ảnh, vai trò, nghề nghiệp... của phụ nữ và nam giới trong nội dung bài học, hình ảnh minh họa; Khuyến khích những hình ảnh tích cực về nữ và nam giới trong những lĩnh vực thường được coi không phải là thế mạnh của họ (phụ nữ làm lãnh đạo, nam giới chăm sóc gia đình); Khẳng định vai trò đóng góp của phụ nữ trong xã hội...

Là đơn vị trực tiếp thực hiện xuất bản SGK, ông Phan Xuân Thành, Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, do lộ trình thay SGK mới theo lối cuốn chiếu, theo đó việc tồn tại SGK hiện hành vẫn còn kéo dài 5 năm nữa do vậy cần vừa có giải pháp bù đắp việc lồng ghép giới cho SGK hiện hành, bên cạnh đó đặc biệt lưu ý về giải pháp cho SGK mới.

“Đối với SGK hiện hành, cần thiết phải rà soát thực trạng việc lồng ghép giới để thấy được ưu điểm cần phát huy, khuyết điểm để bổ sung, khắc phục.

Rất may là công việc rà soát SGK hiện hành đã được rà soát bởi nhiều đơn vị, cá nhân, qua đó, chúng ta thấy được các nhược điểm về lồng ghép giới trong SGK hiện hành như mất cân đối hình ảnh nam nữ, phạm vi nghề nghiệp nam và nữ, ở mức độ nhất định có thể thấy thấp thoáng định kiến giới,…

Để khắc phục những hạn chế đã nêu hay thực hiện lồng ghép giới vào SGK hiện hành, nếu tác động trực tiếp vào SGK như thay đổi hình vẽ, đưa nội dung mới thêm vào SGK là việc không thể thực hiện. Thay vì việc làm này, có thể tổ chức biên soạn sách tham khảo hoặc tài liệu hướng dẫn học vào chương trình ngoài giờ lên lớp hay sinh hoạt lớp cuối tuần”, ông Thành cho biết.

Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, với chương trình và SGK mới, khi có chương trình môn học chính thức, các nhóm làm SGK trước hết cần tổ chức rà soát để phân định đâu là đơn vị kiến thức, mục tiêu giáo dục được yêu cầu bắt buộc để tổ chức các bài học/chương/chủ đề trong SGK mới, đặc biệt là các môn Đạo Đức. Giáo dục công dân, Tự nhiên và xã hội, Sinh học… Bên cạnh đó, cần xem xét những vấn đề về giới được khuyến khích lồng ghép, tích hợp vào 1 số môn có lợi thế khác nhau như Tiếng Việt, Ngữ Văn, Hoạt động trải nghiệm, Khoa học tự nhiên…

Từ nội dung chương trình, cần có cách thức thiết kế nội dung hình thức các bài học/chương/chủ đề liên quan trực tiếp về giới, giới tính, hoặc tích hợp nội dung SGK một cách hài hòa, hiệu quả nhất./.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

Tệp đính kèm