Những ưu thế nổi trội như vị trí thuận lợi, chính trị ổn định, thị trường tiêu thụ rộng lớn... cùng chính sách thu hút FDI cởi mở là những “điểm cộng” quan trọng giúp Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thế giới.
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Dệt nhuộm Jasan Việt Nam vốn đầu tư của Trung Quốc tại khu công nghiệp Phố nối B, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Khởi đầu ấn tượng
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất trong khu vực. Có được kết quả này, một phần quan trọng là cả quá trình xây dựng Luật Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 29/12/1987, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, văn bản pháp lý quan trọng nhất chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, thế giới bình luận đó là một trong các đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực. Hấp dẫn nhất là bởi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng dựa trên sự học hỏi kinh nghiệm 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác.
"Chỉ học hỏi cái hay nên Luật của Việt Nam hấp dẫn. Hơn nữa, khi đó, các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia chỉ mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, còn ta thì ngay lập tức mở cửa, thông thoáng hết mức, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, mà không giới hạn tối đa," giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (VAFIE) cho biết.
Luật Đầu tư nước ngoài 1987, với những tư tưởng cởi mở, thông thoáng, tầm nhìn xa, trông rộng đã mở đường cho thu hút FDI và thực sự đã phát huy hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong các giai đoạn khó khăn. Luật cũng trở thành cầu nối vươn ra bên ngoài và cùng với những nhân tố khác đưa vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới.
Chỉ trong hơn 2 năm, kể từ năm 1988 đến tháng 5/1990, đã có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD.
Khi tiến hành tổng kết các chính sách quan trọng trong 5 năm 1986-1990, việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài được xếp là một trong 9 nội dung quan trọng nhất, cùng với các nội dung đã đi vào lịch sử, như khoán nông nghiệp, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh, xóa bao cấp, chuyển ngân hàng sang kinh doanh...
Nhiều lần sửa đổi để phù hợp với tình hình mới
Luật Đầu tư nước ngoài trải qua nhiều lần sửa đổi kể từ khi được ban hành năm 1987, để phù hợp với tình hình mới.
Tháng 6/1990, sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần đầu tiên; tháng 12/1992, sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần thứ hai. Thu hút đầu tư nước ngoài đã nâng lên 459 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 5,28 tỷ USD. Trong giai đoạn này, vốn FDI tăng tốc. Làn sóng đầu tư thứ nhất bắt đầu.
Năm 1996, sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài 1996. Do tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực, nhịp tăng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện năm 1997 tăng 25%, nhưng năm 1998 đã giảm 40%, năm 1999 giảm tiếp 22%.
Năm 2000, tiếp tục sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài.
Năm 2005, ban hành Luật Đầu tư chung, thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Đầu tư trong nước. Vốn FDI tăng mạnh trở lại, làn sóng đầu tư thứ hai bắt đầu. Năm 2005, thu hút được 6,839 tỷ USD.
Năm 2014, sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư 2014, tạo một bước đột phá về tư duy, bởi từ nay, doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm. Làn sóng đầu tư thứ ba bắt đầu.
Năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 36 tỷ USD - mức cao nhất từ năm 2009.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 30 năm “đón” vốn FDI, từ năm 1988 đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút 26.438 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông...
Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI còn góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế...
Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và từ 5-6 triệu lao động gián tiếp./.
Theo LAN KHANH (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/30-nam-thu-hut-fdi-nhin-lai-quyet-dinh-mang-tinh-lich-su/524787.vnp