Cập nhật: 17/09/2018 15:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mỹ cho rằng, Nga đang tạo áp lực với các chuyên gia của Liên Hợp Quốc để thay thế 1 báo cáo độc lập cho rằng Moscow vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên.

Mỹ vừa kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn trong ngày hôm nay (17/9) về việc “một số thành viên” gần đây tìm cách “cản trở” các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên.

Thông báo được phái bộ của Mỹ tại LHQ đưa ra tối 14/9 sau khi Đại sứ Mỹ tại đây, bà Nikki Haley cho rằng Nga đang tạo áp lực với các chuyên gia của tổ chức này nhằm thay thế một báo cáo độc lập, trong đó cáo buộc các nhân tố Nga đang vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. (Ảnh: Reuters)

“Nga không thể được phép biên tập và cản trở các báo cáo độc lập của Liên Hợp Quốc về các lệnh trừng phạt Triều Tiên chỉ bởi vì họ không thích điều được nói ra trong đó. Chấm hết” – bà Haley nêu rõ. “Chúng tôi lấy làm thất vọng vì Nga gây áp lực và làm thay đổi một báo cáo đáng lẽ là độc lập”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 14/9 cũng cáo buộc, Nga đã “chủ động tìm cách cản trở” các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Triều Tiên. Ông đã kêu gọi các chuyên gia của Liên Hợp Quốc công bố bản báo cáo gốc của họ.

“Mỹ cam kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của HĐBA” – ông Pompeo nói với các phóng viên. “Chúng tôi tin rằng các nghị quyết đó là trọng tâm trong các nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và vĩnh viễn Bán đảo Triều Tiên là cần thiết”.

Đây là cáo buộc vi phạm trừng phạt Triều Tiên mới nhất mà phía Mỹ đưa ra sau hàng loạt cáo buộc tương tự kể từ khi ông Trump gặp ông Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6/2018.

Bất chấp việc Mỹ hối thúc các đối tác quốc tế tiếp tục duy trì sức ép với Triều Tiên, Nga và Trung Quốc bị cho là không hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực đó.

Từ vụ thuyền chở than cho đến việc nối lại các dự án xây dựng và đưa du khách Trung Quốc trở lại Bình Nhưỡng, Bắc Kinh  bị cho là đã mở lại cánh cửa thương mại với Triều Tiên bằng cả con đường hợp pháp và phi pháp, khiến ông Kim Jong-un bớt áp lực phải theo đuổi con đường ngoại giao với Mỹ.

Trong khi đó, một báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 8 cho biết, Triều Tiên vẫn chưa dừng chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này, đồng thời vẫn vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế với việc vận chuyển than đá bán ra nước ngoài bằng đường biển.

Hồi tháng 7, Mỹ cũng cáo buộc Triều Tiên đã mua lậu dầu lửa thành phẩm quá mức 500.000 thùng mà các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đặt ra. Các lệnh trừng phạt này đã bị vi phạm đến 89 lần trong vòng 5 tháng đầu năm 2018, phần lớn là chuyển dầu giữa các tàu với nhau.

NBC News dẫn lời 3 quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, thông tin tình báo mới nhất mà Washington có được cũng chỉ ra rằng chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un thậm chí còn tăng cường nỗ lực che giấu chương trình hạt nhân của nước này sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6./.

Theo Diệu Hương/VOV.VN

 

Tệp đính kèm