Để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của ngành “công nghiệp không khói” Việt Nam, việc tập trung phát triển những sản phẩm du lịch sáng tạo được coi là giải pháp có tính đột phá trên hành trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Khách du lịch tham quan Cầu Vàng (TP Đà Nẵng).
Tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới - khu vực châu Á và Ô-xtrây-li-a vừa diễn ra tại Hồng Công (Trung Quốc), Việt Nam được vinh danh ở hạng mục giải thưởng quan trọng nhất “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Theo đó, nước ta đứng thứ sáu thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ tăng trưởng du lịch. Cùng với giải thưởng quốc gia, một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch của Việt Nam như Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel), hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), khu nghỉ dưỡng quốc tế Sun Perinsuda (Đà Nẵng); khu nghỉ dưỡng Naman Retreat (Đà Nẵng) cũng được tôn vinh với những giải thưởng hàng đầu khu vực.
Điều này đã chứng tỏ những bước tiến dài về chất lượng cũng như nỗ lực của ngành du lịch nước nhà trong suốt chặng đường dài để tạo chỗ đứng trên bản đồ du lịch thế giới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù đã có một diện mạo mới khởi sắc và mang lại nguồn lợi đáng kể cho đất nước, du lịch Việt Nam vẫn phát triển chưa xứng tiềm năng và đang phải đối diện những cảnh báo về nguy cơ phát triển thiếu bền vững và lãng phí tài nguyên. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2017 năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã tăng tám bậc so với hai năm trước, nhưng xem xét kỹ các yếu tố, có thể thấy động lực chính vẫn tới từ tài nguyên văn hóa (hạng 30), tài nguyên tự nhiên (hạng 34), sức cạnh tranh về giá (hạng 35), và khách du lịch chủ yếu chỉ đang sử dụng các sản phẩm du lịch truyền thống đơn thuần. Việt Nam còn rất thiếu những sản phẩm mang tính độc đáo, sáng tạo, phù hợp nhu cầu thị trường. Ngay Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, những nơi được xác định là thủ phủ du lịch của Việt Nam cũng thiếu những sản phẩm du lịch sau 18 giờ tối dành cho du khách. Tính đơn điệu, lặp đi lặp lại, na ná nhau về sản phẩm du lịch ở những địa phương trong cùng khu vực là thực trạng dễ nhận thấy. Đây chính là “điểm nghẽn” trên con đường tự nâng cấp chất lượng của du lịch Việt Nam.
Với mục tiêu tìm giải pháp để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, Hội thảo “Sáng tạo trong sản phẩm du lịch - từ ý tưởng đến thực tế kinh doanh” đã được Tổng cục Du lịch tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE - HCMC 2018. Phó Tổng cục trưởng du lịch Hà Văn Siêu khẳng định: Sáng tạo trong các sản phẩm du lịch nếu đi đúng hướng sẽ giúp nâng tầm giá trị của tài nguyên du lịch, mang lại các giá trị gia tăng; từ đó, tạo nền tảng khác biệt trong lợi thế cạnh tranh du lịch giữa các quốc gia, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và thời kỳ công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu. Các sản phẩm du lịch sáng tạo sẽ góp phần giảm sự tập trung vào những điểm du lịch truyền thống, giúp phân bố đều không gian du lịch, giảm tình trạng quá tải và mất cân đối hiện tại. Đây cũng là hướng đi quan trọng để tái cấu trúc ngành du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Thực tế, những năm trước, ở nước ta đã xuất hiện những sản phẩm du lịch có các yếu tố sáng tạo như tua “Một ngày làm cư dân phố cổ” ở Hội An, tua “Du lịch mùa lúa chín” ở Làng cổ Đường Lâm... Nhưng để hội đủ các yếu tố để tạo thành sản phẩm du lịch sáng tạo như: Có ý tưởng khác biệt, tạo cảm xúc ấn tượng trong trải nghiệm cho du khách và tạo giá trị gia tăng cao thì mãi tới thời gian gần đây, Việt Nam mới có những sản phẩm nổi bật. Tiêu biểu phải kể tới Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An vừa khai trương cách đây chưa lâu với điểm nhấn là vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” - chương trình được đầu tư công phu, quy mô, bài bản đang nổi lên như một sản phẩm phải được thưởng thức khi tới Hội An. Hay “Tinh hoa Bắc Bộ” - chương trình diễn thực cảnh đầu tiên ở Hà Nội được dàn dựng với hệ thống âm thanh, công nghệ ánh sáng hoành tráng, dàn diễn viên nông dân hùng hậu đưa người xem khám phá văn hóa truyền thống làng quê Bắc Bộ. Gần đây, Cầu Vàng được xây dựng tại Đà Nẵng cũng bất ngờ nổi lên như một hiện tượng không chỉ với người Việt Nam mà còn đối với du khách trên toàn thế giới bởi độ hoành tráng và ấn tượng.
Tạo ra các sản phẩm sáng tạo thôi chưa đủ, điều quan trọng là làm thế nào để những sản phẩm này có thể tồn tại lâu dài và phát triển. Muốn làm được điều này, theo các chuyên gia, cần sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước trong vai trò kiến tạo chính sách, sự dũng cảm của chủ đầu tư khi đầu tư vào các sản phẩm mới, cũng như vai trò kết nối, thúc đẩy kinh doanh của doanh nghiệp du lịch, lữ hành; nhiệm vụ lan tỏa của các cơ quan truyền thông và sự chung tay của cộng đồng để phát huy các giá trị của sản phẩm. Bên cạnh đó, ông Giắc-sơn Lắc - Giám đốc dự án Sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp du lịch vùng Mê Công cũng lưu ý: Sáng tạo là cần thiết để tạo dấu ấn khác lạ, thu hút du khách nhưng muốn phát triển tốt phải đi đôi với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nhất là khi Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất khu vực và thế giới. Đây cũng là điều Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: Sáng tạo trong du lịch phải đi đôi với phát triển bền vững, gia tăng giá trị của tài nguyên du lịch nhưng vẫn phải lấy tính nguyên bản của điểm đến làm nguồn lực của sáng tạo.
HƯƠNG CHI
Theo nhandan.com.vn