Khi cuộc chiến chống khủng bố tại Syria đang tới hồi kết, Mỹ đã nhanh chóng xây dựng chính sách mới về Syria, trong đó tập trung đối phó với Iran.
Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Syria mới được bổ nhiệm, ông James Jeffrey hồi đầu tháng 9 cho biết, “theo một chính sách mới” về Syria, Mỹ sẽ không rút quân đội ra khỏi quốc gia này vào cuối năm 2018. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh mọi sự chú ý đang dồn vào chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với những lời chỉ trích cho rằng, chính quyền của ông đang đặt quân đội vào tình huống nguy hiểm trong một cuộc chiến tranh ở nước ngoài không với mục đích chống lại mối đe dọa đối với nước Mỹ.
Các lực lượng Mỹ tại Syria. Ảnh: Reuters.
Chính sách này đi ngược lại với những gì Tổng thống Trump từng tuyên bố trong cuộc bầu cử Tổng thống, đó là giảm sự liên quan của Mỹ tới các cuộc chiến tại Trung Đông, đặc biệt, ông Trump muốn rút toàn bộ 22.000 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Syria.
Các binh sỹ Mỹ đang hiện diện tại khu vực đông bắc Syria, đến nay vẫn tập trung vào cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng bây giờ, theo ông James Jeffrey, bên cạnh việc dọn dẹp tàn dư của IS ở miền đông Syria, họ cần phải ở lại đây vô thời hạn với mục tiêu loại bỏ tất cả các lực lượng của Iran, xây dựng một chính phủ Syria ổn định và được người dân Syria cũng như cộng đồng quốc tế chấp nhận. Các quan chức Mỹ tiết lộ động cơ dẫn tới sự thay đổi của Washington bắt nguồn từ sự nghi ngờ về việc liệu Nga có thể và sẵn lòng giúp gây sức ép để Iran rời Syria hay không.
Chính sách gây nhiều tranh cãi
Chính sách mới không phải là một phần mở rộng hoặc hệ quả của mục tiêu được tuyên bố trước đây về chống IS. Trên thực tế, sự hiện diện của Iran ở Syria, nhằm hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Assad đã khiến Mỹ lo ngại từ lâu. Những nhân vật cứng rắn trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đã vài lần đề cập việc chống lại Iran bằng bất cứ cách nào và bất cứ nơi nào họ có thể.
Sự thay đổi chính sách của Mỹ về Syria đã gây ra nhiều tranh cãi, bởi giờ đây binh sỹ Mỹ được triển khai tham chiến ở nước ngoài với mục tiêu đẩy lùi các lực lượng của một quốc gia Trung Đông tại một quốc gia Trung Đông khác trong bối cảnh hai bên có quan hệ hợp tác lâu dài về an ninh, một nhiệm vụ phức tạp hơn rất nhiều so với cuộc chiến chống khủng bố. Quan hệ đồng minh giữa Syria và Iran đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua, kể từ khi hai bên cùng có một đối thủ chung dưới thời cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Giới quan sát cho rằng, sẽ khó có khả năng các nghị sỹ Mỹ bỏ phiếu chấp thuận điều binh sỹ tới một cuộc chiến chỉ nhằm mục đích buộc một quốc gia Trung Đông (ám chỉ Iran) phải di dời quân đội của mình từ địa điểm A đến địa điểm B khi mà sự hiện diện của họ tại địa điểm A là nhằm hỗ trợ chính phủ nước sở tại chứ không phải xâm lược. Dù Iran từ lâu nay luôn được coi là cái gai trong mắt Mỹ. Nói một cách rõ ràng, việc rút một lực lượng đã được triển khai trước đó không hoàn toàn giống với việc triển khai lực lượng mới, dù rằng nhiệm vụ có thay đổi hay không.
Mỹ ngày càng yếu thế, trong khi chính phủ Syria, được sự hỗ trợ của các đồng minh Nga và Iran đến nay đã giành quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ quốc gia. Hiện giờ, mọi sự chú ý đang dồn vào khu vực Idlib, tây bắc Syria – thành trì cuối cùng của phiến quân và các lực lượng khủng bố. Nhóm vũ trang mạnh nhất tại Idlib là Hei’at Tahrir al-Sham (HTS) – liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda.
Chiến dịch giải phóng Idlib của chính phủ Syria, nếu diễn ra có thể dẫn đến một cuộc giao tranh đẫm máu, song sẽ giúp chấm dứt sự cai trị của HTS – tổ chức thường xuyên gây ra các vụ bắt giữ hàng loạt, tra tấn và giam cầm các tù nhân trong những nhà tù bí mật. Mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận thiết lập khu vực phi quân sự tại Idlib nhưng giải pháp này chỉ là tạm thời. Một giải pháp tối ưu và toàn diện nhất cần phải liên quan đến ngoại giao đa phương, có sự tham gia của tất cả các quốc gia bên ngoài can dự vào cuộc xung đột.
Trong số các bên liên quan, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng nhất. Cả ba đều có những lợi ích to lớn hơn nhiều so với Mỹ tại Syria. Đối với Nga và Iran, Syria là đối tác quan trọng nhất, lâu dài nhất và thân thiện nhất mà họ có được trong thế giới Arab. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình Syria đang đặt ra một loạt vấn đề trước mắt, trong đó gồm vấn đề an ninh biên giới, người Kurd và người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ hiện tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn Syria và nguy cơ làn sóng tị nạn sẽ tăng cao nếu xảy ra thêm nhiều cuộc giao tranh tại Idlib.
Sau tất cả, việc Mỹ tập trung vào việc đối phó và cô lập Iran bất cứ khi nào có cơ hội đang khiến nhiệm vụ tìm giải pháp cho cuộc xung đột Syria trở nên khó khăn hơn. Chính sách chống Iran của Mỹ đã cản trở các nỗ lực ngoại giao liên quân đến Syria, thậm chí trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Ông James Jeffrey và nhiều quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump không giải thích về việc duy trì quân đội Mỹ tại Syria sẽ giúp họ giành được mục tiêu buộc Iran rút khỏi quốc gia Trung Đông đang chìm trong xung đột này như thế nào.
Tuy nhiên, có nhiều đồn đoán cho rằng, Mỹ có thể tận dụng điều này như một con bài mặc cả để đạt được thỏa thuận về rút tất cả các lực lượng nước ngoài ra khỏi Syria.
Nhưng luôn có hai đối thủ trong cuộc chơi này. Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng tuyên bố "chống khủng bố ở Idlib là một phần không thiếu trong sứ mệnh khôi phục hòa bình và ổn định cho Syria", cùng với đó, Iran cũng phải buộc Mỹ rời khỏi Syria. Iran có động lực mạnh mẽ hơn so với Mỹ để tiếp tục cuộc chơi.
Và như thế, hậu quả của việc Mỹ tiếp tục triển khai các lực lượng tại Syria vô thời hạn, với nhiệm vụ mới là chống Iran, sẽ dễ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai quốc gia và sau đó leo thang thành cuộc xung đột toàn diện. Đây là điều không ai mong muốn.
Theo Hồng Anh/VOV.VN