Cập nhật: 26/09/2018 14:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trung bình mỗi năm đã có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài để khám chữa bệnh với chi phí lên đến hàng tỷ USD. Khi mức sống ngày càng cao và chất lượng dịch vụ y tế trong nước chưa có sự cải thiện tương xứng, đáp ứng các nhu cầu của người dân, con số này có thể sẽ gia tăng hơn nữa.

Việt Nam có nhiều lợi thế cả về điều kiện tài nguyên, khí hậu, con người và truyền thống y học để định hình và phát triển những dịch vụ mới, hiện đại, chất lượng cao và đa tiện ích, trong đó có các sản phẩm du lịch kết hợp làm đẹp, khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới phối hợp với các cơ quan chuyên môn Việt Nam thực hiện cho thấy tổng chi tiêu cho y tế nước ta đang chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới...

Phát biểu tại Hội nghị khoa học và triển lãm răng hàm mặt quốc tế lần thứ 11, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 21 đến ngày 24-8 vừa qua, với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu trong nước và quốc tế đến từ 25 quốc gia và khu vực, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá: Trong những năm qua, ngành răng hàm mặt Việt Nam đã vừa giữ được người bệnh trong nước, vừa thu hút hàng chục nghìn người nước ngoài đến điều trị bệnh mỗi năm. Ðây là kết quả của những nỗ lực triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới, như: phẫu thuật hàm mặt và sọ mặt; phẫu thuật chỉnh hình xương hàm mặt; cấy ghép nha khoa và nhiều lĩnh vực chuyên sâu nha khoa khác. Việt Nam cũng đã nghiên cứu, ứng dụng trong dự phòng và điều trị nhiều kỹ thuật chuyên môn cao tại các bệnh viện trung ương, tỉnh và huyện, như can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, ghép tạng, ghép tế bào gốc đồng loại, ứng dụng rô-bốt định vị trong phẫu thuật cột sống và nội soi nhi khoa. Năm 2011, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á sử dụng muối fluor để dự phòng sâu răng cho cộng đồng tại tỉnh Lào Cai. Chương trình đã được Tổ chức Y tế Thế giới và các nước đánh giá cao…

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, trình độ điều trị của các bác sĩ trong nước không thua trình độ của các bác sĩ ở bất cứ quốc gia nào. Riêng về bệnh ung thư, bác sĩ Việt Nam còn được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm hơn trong chữa trị, điển hình là điều trị ung thư vú. Nhiều bệnh viện như Việt Ðức, Nhi trung ương, Bạch Mai, Chợ Rẫy, ÐH Y dược, Từ Dũ,... còn giảng dạy cho nhiều khóa bác sĩ nước ngoài trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi, hiếm muộn...

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, năm 2017, thành phố đón khoảng 30.000 đến 40.000 lượt khách quốc tế tới khám chữa bệnh, đem lại doanh thu khoảng 1 tỷ USD. Chỉ riêng Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, hằng tháng tiếp nhận khoảng 130 đến 140 khách từ gần 40 quốc gia trên thế giới đến khám chữa bệnh (nhất là các ca về nam khoa và lĩnh vực thẩm mỹ), trong đó từ Mỹ và Hàn Quốc chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Sức hấp dẫn này đến từ chất lượng dịch vụ y tế ở đây không thua kém nước ngoài. Hiện nay một số bệnh viện Việt Nam có đội ngũ phiên dịch hỗ trợ chuyên nghiệp, bác sĩ có chuyên môn cao và biết tiếng Anh, có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng tất cả nhu cầu điều trị nha khoa cho người nước ngoài, trong khi chi phí chỉ bằng 20% đến 50%. Thí dụ: phẫu thuật căng da mặt chỉ có giá từ 2.000 USD đến 3.000 USD, trong khi ở nước ngoài có thể tốn đến 10.000 USD; làm một răng sứ chỉ từ 100 USD đến 300 USD, trong khi nếu làm ở châu Âu chi phí có thể lên đến hàng nghìn USD; phẫu thuật implant giá từ 800 USD đến 1.000 USD so với từ 2.000 USD đến 5.000 USD ở nước ngoài…

Thực tế cho thấy để thu hút khách du lịch, kích thích họ tiêu tiền không dễ, thu hút du khách chữa bệnh có nhu cầu và khả năng thanh toán cao càng khó hơn. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tự do hóa các dịch vụ khám chữa bệnh toàn cầu thì sức ép cạnh tranh trên thị trường y tế cũng gia tăng cả ở cấp vĩ mô, lẫn ở cấp vi mô, về hiện tại cũng như lâu dài. Người dân có bệnh và có khả năng thanh toán ngày càng có nhiều lựa chọn cho nên đòi hỏi chất lượng khám chữa bệnh ngày càng khắt khe hơn. Một bệnh viện với trang thiết bị hạn chế, trình độ chuyên môn thấp và thái độ bác sĩ, y tá, nhân viên lại thiếu thân thiện sẽ khó tạo được niềm tin nơi người bệnh. Do đó việc giữ chân người bệnh Việt Nam đã khó, thu hút người nước ngoài đến chữa bệnh còn khó hơn.

Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng đã có thời gian khá dài việc xây dựng và nâng cấp một số bệnh viện ở Việt Nam chưa được quan tâm. Ðiều này khiến một số bệnh viện có cơ sở vật chất nghèo nàn, quá tải kiểu "ba bệnh nhân một giường, 100 người chung nhau nhà vệ sinh", trình độ chuyên môn của bác sĩ ít nhiều bị hạn chế. Thậm chí, theo lời một giám đốc bệnh viện thì "chỉ 20% tốt, 60% trung bình, 20% rất yếu". Cùng với đó là cơ chế thị trường cực đoan và méo mó cho nên có lúc, có nơi đã làm suy giảm tinh thần trách nhiệm, lương tâm thầy thuốc, băng hoại đạo đức nghề nghiệp, gây nhiều lãng phí, ngộ nhận và thất tín với các bác sĩ và nền y học nước nhà. Theo một lãnh đạo của Bệnh viện Việt Ðức, hiện nay, bệnh viện này có đủ khả năng mổ những ca phức tạp, song không có đủ phòng mổ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh; mỗi năm bệnh viện tiêu tốn khoảng 750 tỷ đồng đến 800 tỷ đồng, trong khi Nhà nước chỉ cấp 17 tỷ đồng, không đủ trả hai tháng lương cho nhân viên. Vì vậy, bệnh viện không có tiền xây mới phòng mổ và cũng không dám bỏ tiền ra quảng cáo vì chi phí quá đắt đỏ.

Trước bối cảnh đó, không ít người dân có thu nhập cao muốn ra nước ngoài khám chữa bệnh với kỳ vọng sẽ được hưởng dịch vụ chăm sóc, điều trị tốt nhất, sẵn sàng chấp nhận mức chi phí đắt đỏ. Thách thức này đặt ra yêu cầu mở rộng thị trường dịch vụ y tế khám chữa bệnh chất lượng cao trong nước. Bởi lẽ, nếu không phát triển sẽ đồng nghĩa với sự lạc hậu với y tế thế giới, thậm chí là với cả các nước lân cận; cũng như nguy cơ nghi ngờ; thờ ơ của chính người bệnh trong nước về khả năng chuyên môn, năng lực của ngành y tế Việt Nam. Chính nhờ "cú huých" này, nhiều cơ sở y tế đã tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Từ đây, một lượng lớn người dân có điều kiện thu nhập cao và có niềm tin vào y tế Việt Nam đã quay trở lại với dịch vụ y tế trong nước. Sự kết hợp thế mạnh giữa các cơ sở với thương hiệu y tế uy tín đã và đang tạo nhiều lợi thế để khép kín chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng cao trong phát triển dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao.

Một hướng đi đang được nhiều cơ sở y tế lựa chọn là phát triển loại hình dịch vụ "2 trong 1": du lịch tham quan kết hợp khám chữa bệnh. Ðể làm tốt mô hình này cần sự thống nhất nhận thức và phối hợp hành động liên ngành giữa các bên liên quan, trước hết là hai ngành du lịch và y tế. Theo tinh thần đó, mới đây, Sở Y tế và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã hợp tác xây dựng các chương trình kết hợp chăm sóc sức khỏe với du lịch cho du khách, cụ thể hai bên đã xây dựng "sổ tay du lịch y tế" song ngữ Anh - Việt để giới thiệu các gói, sản phẩm dịch vụ du lịch kết hợp khám chữa bệnh, tập dưỡng sinh, châm cứu, nâng cao sức khỏe cho du khách tại một số bệnh viện tự nguyện tham gia (gồm Viện Tim, Da liễu, Nhi đồng, Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng của TP Hồ Chí Minh và một số cơ sở có uy tín khác ở các tỉnh). Những cơ sở dịch vụ y tế này phải đáp ứng các tiêu chí của y tế và du lịch về cơ sở vật chất, hoạt động khám chữa bệnh theo quy chế hoạt động, mức giá và chất lượng dịch vụ thống nhất, phù hợp cho người nước ngoài.

Về triển vọng, Việt Nam cần chủ động quy hoạch và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển chuỗi cơ sở y tế chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho cả cộng đồng người dân trong nước và người nước ngoài. Với một thị trường du lịch có tốc độ phát triển cao và ngày càng được khách quốc tế tìm đến như Việt Nam chỉ riêng kết hợp khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng chất lượng cao cho khách hàng có nhu cầu và khả năng thanh toán đã là một cơ hội tạo nguồn thu lớn cho đất nước, mặt khác cũng đem tới động lực mới cho ngành y tế nước nhà vươn lên, hướng tới một hệ thống dịch vụ tích hợp tiện ích, chuyên nghiệp, hiệu quả và khác biệt, chất lượng cao, bác sĩ giỏi và tận tâm, được "tính đủ, thu đủ" theo chuẩn quốc tế, lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu và thước đo đánh giá cao nhất. Ðồng thời, xây dựng hệ thống thông tin cập nhật, rõ ràng, chính xác danh mục địa chỉ và giá cả những dịch vụ y tế chất lượng cao; tổ chức những hoạt động xúc tiến du lịch - y tế rộng rãi cả trong nước và ngoài nước một cách chuyên nghiệp.

Ðặc biệt, cần khắc phục hai tình trạng: thiếu thông tin vì chưa chú trọng hoạt động quảng cáo, và ngăn chặn tình trạng quảng cáo khám chữa bệnh giả mạo, sai sự thật. Khi cả ngành du lịch và ngành y tế quan tâm phát triển các sản phẩm mới về dịch vụ du lịch - khám chữa bệnh, truyền thông đầy đủ, chính xác, người dân bớt tâm lý sính ngoại, thì không chỉ người dân được lợi, bác sĩ có cơ hội phát triển nghề nghiệp, mà còn tạo động lực mới, cơ hội và vị thế mới cho cả ngành y và ngành du lịch phát triển, vừa giữ chân được người bệnh trong nước, vừa tạo thêm sức hút với khách du lịch tiềm năng nước ngoài tìm đến Việt Nam khám phá, trải nghiệm và gửi gắm niềm tin.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm