Danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) từ lâu là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong nước và ngoài nước. Với việc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, dự báo lượng khách du lịch đến với danh thắng này sẽ tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Cùng với việc bảo tồn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đang xây dựng các chương trình để phát huy giá trị vùng danh thắng nổi tiếng này.
Du khách đi thuyền trên suối Yến. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Còn nhiều nét đẹp chưa được khai thác
Mùa lễ hội năm 2018 từ tháng giêng đến tháng 3 (âm lịch), quần thể danh thắng Hương Sơn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) đón 1,5 triệu lượt khách du lịch. Vào dịp này, khi tiết trời chuyển sang thu, dòng suối Yến trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết, cũng là dịp nhiều người đến chiêm bái, ngắm cảnh chùa Hương. Theo đại diện Ban Quản lý danh thắng Hương Sơn, trung bình mỗi ngày chùa Hương đón khoảng 400 đến 500 khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài.
Quần thể danh thắng Hương Sơn trải trên một diện tích rộng gần 4.000 ha. Giữa vùng non xanh nước biếc này, người xưa dựng lên nhiều ngôi chùa, là nơi tu tập của các nhà sư. Những kiến trúc đẹp nhất được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 và 18. Dù sau này, một số kiến trúc bị phá hủy bởi thời gian và chiến tranh, nhưng chính quyền, nhân dân đã nỗ lực xây dựng, trả lại vẻ đẹp của chùa Hương. Sự hài hòa giữa di tích lịch sử với thiên nhiên đã tạo nên nét độc đáo của danh thắng này. Ngoài núi non, di tích, vẻ đẹp của dòng suối Yến, danh thắng Hương Sơn còn có nhiều động đá đẹp. Trong đó, động Hương Tích được người xưa ví là "Nam thiên đệ nhất động". Chính nhờ những giá trị này, từ tháng 12-2017, Thủ tướng Chính phủ công nhận quần thể danh thắng Hương Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt.
Dù là điểm hành hương quen thuộc của các phật tử, điểm đến của nhiều khách du lịch trong nước và ngoài nước, nhưng quần thể danh thắng Hương Sơn vẫn còn nhiều nét đẹp tiềm ẩn chưa được khai thác hết. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết: "Khách tham quan lâu nay vẫn thường đi từ đền Trình, qua suối Yến, vào chùa Thiên Trù, động Hương Tích và kết thúc hành trình. Tuy nhiên, toàn khu vực hiện có 21 điểm di tích, thắng cảnh. Ngoài tuyến chùa Thiên Trù - động Hương Tích còn có hai tuyến khác, gồm: tuyến Long Vân - Thanh Sơn và tuyến Bảo Đài - Tuyết Sơn. Đây đều là những nơi có di tích, cảnh quan đẹp, có tiềm năng khai thác". Tuyến Long Vân - Thanh Sơn có chùa Long Vân ở trên cao, từ đây, khách tham quan sẽ được phóng tầm mắt để ngắm nhìn một vùng non nước bao la. Động Long Vân có nhiều thạch nhũ kỳ lạ. Tại đây, có động Thánh Hóa, chùa Cây Khế... Tuyến Bảo Đài - Tuyết Sơn có chùa Bảo Đài, động Tuyết Sơn. Động Tuyết Sơn là nơi thờ Phật từ cuối thế kỷ 17. Cảnh đẹp của động Tuyết Sơn được nhiều danh nhân ca ngợi. Người đời thường gọi đây là nơi "kỳ sơn tú thủy".
Xây dựng các giải pháp đồng bộ
Có thời gian, khách du lịch thường phàn nàn về tình trạng "chặt chém" giá cả, hay treo thịt thú rừng phản cảm tại chùa Hương. Nhưng mùa lễ hội đầu năm 2018, Ban Tổ chức đã không phải xử phạt một trường hợp "chặt chém" khách du lịch nào. Những năm gần đây, Ban Tổ chức vào cuộc quyết liệt, kết hợp vận động tuyên truyền với xử phạt, cho nên việc bày bán thịt thú phản cảm đã chấm dứt. Tình trạng vứt rác thải trên suối Yến cũng được xử lý gần như triệt để. Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh chia sẻ: Cái khó trong quản lý các dịch vụ ở chùa Hương là "toàn dân làm du lịch, dịch vụ" chứ không qua một đầu mối như một số nơi khác. Nhân dân xã Hương Sơn và các địa bàn lân cận đăng ký hoạt động bán hàng, thuyền đò... với Ban Tổ chức. Bởi vậy, những năm qua, chúng tôi đã kiên trì vận động để người dân địa phương thấy được, việc đón tiếp khách chu đáo gắn liền với lợi ích kinh tế của chính họ. Nhận thức của người dân thay đổi, chất lượng dịch vụ tốt hơn giúp lễ hội chùa Hương cải thiện hình ảnh trong mắt khách thập phương.
So với mùa lễ hội năm 2017, khách đến chùa Hương trong mùa lễ hội 2018 đã tăng 5%. Con số hai triệu khách đến với chùa Hương trong mùa lễ hội sẽ đạt được trong thời gian không xa. Đây là tin vui, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, nhất là chùa Hương đã có hiện tượng quá tải vào dịp đầu năm. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hậu, huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch để "đón đầu" những thách thức này. Hai tuyến Long Vân - Thanh Sơn và Bảo Đài - Tuyết Sơn sẽ được đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để mở rộng không gian phục vụ khách du lịch. Vào những ngày đông khách, lực lượng chức năng sẽ san sẻ bớt lên các tuyến mới, để khách đỡ đổ dồn vào chùa Thiên Trù - động Hương Tích. Cùng với đó, huyện Mỹ Đức đang xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng để khách du lịch có thể chiêm bái chùa Hương vào ban đêm, tạo điều kiện thuận lợi cho những vị khách có quỹ thời gian eo hẹp.
Năm 2016, Huyện ủy Mỹ Đức đã ban hành Chương trình Phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó, du lịch chùa Hương đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, các mục tiêu của chương trình đang từng bước trở thành hiện thực. Tuy nhiên, để phát huy tốt hơn nữa giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn, hệ thống giao thông từ trung tâm thành phố về Mỹ Đức cần được thành phố đầu tư đồng bộ, để rút ngắn thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, từ đó phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, phát huy giá trị di tích chùa Hương nói riêng.
GIANG NAM
Theo nhandan.com.vn