Cập nhật: 27/09/2018 10:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiễm khuẩn tiết niệu, rối loạn tiểu tiện, mắc bệnh thần kinh bàng quang, trĩ, áp xe hậu môn và mắc bệnh truyền nhiễm… là những bệnh rình rập lứa tuổi học sinh nếu các em phải đối mặt với nhà vệ sinh xuống cấp, lênh láng nước, bốc mùi tại trường học.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) tâm sự, trong nhiều năm khám bệnh, anh được nhiều gia đình đưa con đi khám phản ánh các cô cấm các con đi vệ sinh khi đang trong tiết học.

Xót xa vì điều này, bác sĩ chuyên về tiết niệu nói “nếu cháu bé cháu khỏe mạnh không sao, nhưng những cháu mà yếu đường tiết niệu có thể sẽ tiểu tiện ra quần, bị bạn bè trêu chọc, làm ảnh hưởng tâm lý các cháu bé”.

BS Liên tiếp lời, nhiều trường nhà vệ sinh bẩn cáu cạnh, xuống cấp, trơn trượt, bốc mùi khiến nhiều cháu e dè dẫn tới nhịn tiểu tiện lâu, gây ra nhiễm khuẩn tiết niệu. Về lâu dài, bàng quang bị giãn ra, mắc rối loạn tiểu tiện hay còn gọi là bàng quang thần kinh. Nhiều học sinh vì nhịn tiểu nên không uống đủ lượng nước trong ngày học, làm tăng nguy cơ bị mất nước và nhiễm trùng bàng quang.

Có cháu không dám ngồi bồn cầu ở trường khiến nhịn đại tiện, làm ứ đọng phân trong cơ thể, gây ra đi ngoài có máu, nứt kẽ hậu môn, thậm chí có thể gây ra bệnh trĩ, áp xe hậu môn dẫn đến sợ ăn uống, sợ đi ngoài, suy dinh dưỡng.

“Sáu năm trước, tôi từng điều trị cho một ca là một bệnh nhi nữ, vì nhịn tiểu dẫn tới bị bàng quang thần kinh không đi tiểu được. Sau đó, bé này phải đi chạy chữa mãi mới khỏi được. Cách đây hơn bốn tháng, tôi cũng điều trị cho một cháu bé do cô không cho đi vệ sinh trong giờ học nên bị nhiễm khuẩn tiết niệu. Đứa trẻ này do dính viêm bao quy đầu nên tiểu sót, dễ buồn đi tiểu nhưng lại phải nhịn”, BS Liên cho biết.

Nhà vệ sinh tại các trường học, đặc biệt là trường tiểu học là nỗi ám ảnh với các cháu bé. Những ám ảnh về mùi amoniac nồng nặc làm ảnh hưởng đến thần kinh khứu giác, khiến nhiều cháu bé bị tâm lý rối loạn, thà nhịn về nhà, không dám ăn uống ở trường để tránh phải đi vệ sinh.

Theo thống kê của một tổ chức về kiểm soát nhiễm khuẫn, có đến 25% vấn đề sức khỏe ở học sinh, có liên quan tới việc không sử dụng nhà vệ sinh khi cần. Trường học cũng là nơi có nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm do chính việc thiếu nhà vệ sinh đủ chuẩn với hệ thống rửa tay bảo đảm tiêu chuẩn từ xà phòng, khăn lau tay, nước sạch.

Nhiều nguy cơ về sức khỏe từ việc nhịn đại tiểu tiện mà ngay cả người lớn cũng chủ quan với con em mình. BS Nguyễn Bá Hưng (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) chia sẻ, Khi nhịn lâu, các nơi chứa nước tiểu, chứa phân sẽ bị giãn ra do ứ đọng các chất bài tiết, dẫn đến nhiều nguy cơ như: Nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng ngược dòng, biểu hiện là viêm bàng quang, niệu quản, viêm thận bể thận. Nếu để lâu không được khắc phục sẽ tạo thành thói quen nhịn tiểu có thể gia tăng tình trạng giãn niệu quản, giãn đài bể thận, sỏi đường tiết niệu…

Hơn nữa Khi nhịn lâu sẽ gây rối loạn tiểu tiện. Phản xạ đi tiểu không được đáp ứng ngay thay vào đó trẻ phải cố nhịn lâu dần sẽ làm giảm hoặc mất phản xạ này và dẫn tới tình trạng tiểu són, tiểu dắt, tiểu không hết bãi, tiểu không tự chủ…

“Đặc biệt, nếu bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng ngược dòng không được xử lý sớm sẽ gây biến chứng, cũng có thể gây ra các vấn đề về sinh sản của các cháu sau này”, BS Hưng khuyến cáo.

Thực tế, việc nhịn tiểu tiện sẽ khiến trẻ luôn có cảm giác khó chịu trong người, nên sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập vui chơi của trẻ, trẻ không thể tập trung để tư duy, tiếp thu kiến thức tốt được.

Theo TRẦN NGUYÊN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm