Ngày 2.10, UBND TP Hội An, Trung tâm Văn hóa Thể thao TP tổ chức buổi gặp gỡ, tọa đàm giữa lãnh đạo thành phố, các đơn vị, địa phương liên quan cùng đại diện cộng đồng, các nghệ nhân, những người đã có đóng góp vào thành công của đề án “Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX” trong 20 năm qua (gọi tắt “Đêm phố cổ Hội An”).
Trò chơi Hô bài chòi vẫn luôn là một điểm thu hút du khách
Sau hai thập kỷ triển khai, Hội An đã tổ chức 230 “Đêm phố cổ” định kỳ và đã trở thành một sự kiện, sản phẩm du lịch văn hóa nổi bật, một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân Hội An cũng như du khách, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tăng thêm thu nhập qua các hoạt động du lịch-dịch vụ. Đồng thời khơi dậy tinh thần cộng tác, hưởng ứng nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Hằng tháng, cứ thời điểm có hoạt động “Đêm phố cổ” thì lượng khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn tăng lên. Ngoài ra còn tổ chức được 82 “Đêm phố cổ” đột xuất phục vụ các hội nghị, hội thảo, các đoàn khách đối ngoại; được 17 doanh nghiệp du lịch đặt hàng v.v... Đặc biệt, còn được chọn mang ra giới thiệu với công chúng Hà Nội. TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… tại các sự kiện văn hóa-du lịch,...
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP Hội An - người đề xuất ý tưởng đề án này vào 20 năm trước, cho rằng thành công của “Đêm phố cổ Hội An” chính là nhờ vào sự cộng hưởng, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, đặc biệt là cộng đồng cư dân. Nhờ vào sự ủng hộ của người dân, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, các nghệ nhân, diễn viên quần chúng, cộng tác viên,... cùng với sự chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ của chính quyền, các đơn vị liên quan trong từng đêm phố cổ mà Đêm phố cổ Hội An qua 20 năm vẫn có sức hút lạ kỳ không chỉ với du khách mà cả với những người Hội An.
Cũng từ không gian này mà nhiều sự kiện, hoạt động, nhiều ý tưởng cũng được phục hồi, “sống” lại trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, những năm gần đây, khi lượt khách đến thưởng lãm “Đêm phố cổ” ngày càng tăng kèm theo nhu cầu mua sắm thì dẫn đến hiện tượng một số hộ dân trong khu phố cổ chưa hưởng ứng nhiệt tình khiến chất lượng hoạt động “Đêm phố cổ” trong chừng mực nào đó không còn nguyên vẹn như yêu cầu ban đầu của đề án đề ra. Một số cửa hiệu, nhà hàng lại lạm dụng quá mức ánh sáng trắng để bán hàng, làm cả cửa hàng sáng rực trong không gian mờ ảo chung của “Đêm phố cổ”; một số hộ nếu không kinh doanh thì đóng cửa, tắt đèn, không thắp đèn lồng,... Tình trạng tranh giành khách, sử dụng trẻ em để bán hoa đăng, dịch vụ du thuyền trên sông vẫn có thuyền chở quá lượng người không cho phép, không niêm yết giá cả… vẫn diễn ra.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An còn nhận định, đáng lo ngại là một số hoạt động ở các điểm văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian,... nhiều nghệ nhân, cộng tác viên lớn tuổi, khó khăn trong việc đi lại, thiếu lực lượng kế thừa,... nên ngày càng vắng người tham gia, nội dung chưa phong phú, còn nặng trình diễn, ít thu hút khách như chiếu hát bội, thơ Đường và thơ truyền thống, Hò khoan đối đáp, trình tấu nhạc cụ cổ truyền,…
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, thời gian tới, chính quyền sẽ nghiên cứu bổ sung nhiều hoạt động vào các “Đêm phố cổ” để tạo sự cộng cảm, thu hút nhân dân và du khách tham gia trải nghiệm. Đồng thời sẽ sớm ban hành “Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An” để lực lượng chức năng có cơ sở xử lý các trường hợp vi phạm Quy chế trong những “Đêm phố cổ” hằng tháng.
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa các hoạt động để cộng đồng cùng nhau có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nâng cao chất lượng; giữ vững thương hiệu một sản phẩm văn hóa độc đáo của Hội An.
Theo KHÁNH CHI/baovanhoa.com.vn