Cập nhật: 04/10/2018 14:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau khi di dời đến khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân), toàn bộ nhà hàng là các du thuyền trước đây đang nằm phơi sương nắng, hoen gỉ trên mặt nước Hồ Tây, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho mặt nước, cũng như làm mất mỹ quan của Hồ Tây – lá phổi của Thủ đô Hà Nội.


Thực hiện “một nửa” kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội

Gần 2 năm kể từ khi UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các du thuyền, nhà hàng nổi ngừng kinh doanh ở khu vực bến thủy Hồ Tây (từ số 2 đến số 10 đường Nguyễn Đình Thi), toàn bộ các nhà hàng, thuyền nổi đã được di chuyển về phía Đầm Bảy (phường Nhật Tân) theo Thông báo số 38/TB-UBND, truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây và giải quyết kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực này của các doanh nghiệp.

Du thuyền hoang tàn, hoen gỉ nằm phơi sương nắng trên Hồ Tây.

Thông báo nêu rõ: “UBND thành phố đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực Hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội giao UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây; Xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; hoàn thành việc tháo dỡ, di dời các phương tiện này khỏi Hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi trên hồ trong quý I-2017”.

Ghi nhận thực tế khu vực Đầm Bảy cho thấy, Thông báo 38 của UBND thành phố mới chỉ thực hiện được một nửa. Sau khi di chuyển, các doanh nghiệp không tháo dỡ, di dời khỏi mặt nước mà án ngữ một phần lớn diện tích mặt hồ. Những khối thép han gỉ từng ngày dập dềnh trên mặt nước Hồ Tây khiến cảnh quan khu vực bị xuống cấp trầm trọng.

Trao đổi với PV báo Nhân Dân điện tử, lãnh đạo UBND phường Nhật Tân cho biết, hiện khu vực trên vẫn được lực lượng chức năng kiểm tra, theo dõi thường xuyên, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Còn việc thanh thải ra sao phải chờ chỉ đạo của UBND quận Tây Hồ.

“Đặc cách” cho du thuyền hoạt động trên Hồ Tây?

Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã có Thông báo yêu cầu thanh thải toàn bộ du thuyền trên mặt Hồ Tây, nhưng, một du thuyền vẫn tiếp tục “bám trụ”, theo tìm hiểu của PV, du thuyền này thuộc quyền sở hữu của Công ty Liên doanh Hà Nội Lake View Sport (Công ty Lake View).

Trong bối cảnh toàn bộ gần chục du thuyền, nhà hàng trên mặt Hồ Tây đều chấp hành di dời về khu vực Đầm Bảy theo Thông báo số 38 ngày 7-2-2017 của UBND TP Hà Nội về kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây. Tuy nhiên, riêng du thuyền của nhà hàng có tên Bay Buffet không chấp hành di chuyển mà hoán cải thành “bể bơi” (theo giải thích của chủ sở hữu với các cơ quan chức năng) nhưng thực chất không có hoạt động bơi lội, thể thao trên du thuyền này. Việc “đặc cách” một du thuyền kinh doanh trên mặt hồ không những tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp mà còn tạo ra nhiều hệ lụy với môi trường hồ, mất mỹ quan của Hồ Tây.

Không hiểu vì sao du thuyền thuộc quyền sở hữu của Công ty Liên doanh Hà Nội Lake View Sport (Công ty Lake View) được đặc cách tồn tại.

Theo hồ sơ PV có được, phần sàn bê-tông được đúc nổi trên mặt nước hiện là Nhà hàng Bay Buffet thuộc sở hữu của Công ty Liên doanh Hà Nội Lake View Sport (Công ty Lake View) và đã được cấp “sổ đỏ” vào năm 2005 với tổng diện tích là 953.6m2. Ngày 13-3-2017, Công ty có công văn gửi Sở KH&ĐT Hà Nội đề nghị giữ lại du thuyền. Trong đó, Công ty này cho rằng: “Do thuyền bể bơi là “tài sản” nằm trong vốn góp liên doanh của bên Việt Nam và chỉ là phương tiện đặt bể bơi, không lắp máy di chuyển, đã ngập sâu trong bùn từ khi hạ thủy đến nay… chỉ phục vụ khách trong tòa nhà”. Do đó công ty đề xuất không phải di chuyển theo chủ trương chung của thành phố.

Tuy nhiên, trong thông báo của UBND TP Hà Nội đã nêu rõ: “UBND TP Hà Nội giao UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây”, không hiểu sao, một nhà hàng rất quy mô và hoành tráng luôn tấp nập thực khách lại ngang nhiên hoạt động? Chất thải của nhà hàng này đi đâu khi nó được xây dựng nằm trọn trên mặt nước Hồ Tây? Câu hỏi này cần được UBND quận Tây Hồ, Ban Quản lý Hồ Tây trả lời cho công chúng.

Phần khoanh tròn là diện tích tấm bê tông nổi trên mặt Hồ Tây được cấp sổ đỏ rộng 953.6m2

Hồ Tây là danh thắng tiêu biểu của Thủ đô, là lá phổi của người dân Hà Nội, chủ trương làm sạch nguồn nước và bảo vệ cảnh quan Hồ Tây của UBND thành phố Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn và cấp thiết. Tuy nhiên, sau hơn hai năm, hiện chủ trương trên chỉ mới hoàn thiện được một nửa lộ trình. Rất mong UBND TP Hà Nội quyết liệt hơn nữa trong việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc và tiến hành chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực Hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm bảo tồn, gìn giữ một Hồ Tây sạch đẹp, hiện đại cho thế hệ mai sau.

Theo NHÓM PV/baonhandan.com.vn

Tệp đính kèm