Hiện nay, trong tổng số hơn 10 triệu hội viên nông dân, có gần 1,4 triệu hội viên là người dân tộc thiểu số, số đông cư trú ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đây cũng là những địa bàn rất khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, bởi trình độ so với khu vực nông thôn, vùng đồng bằng còn thấp, đời sống của hầu hết đồng bào còn nhiều khó khăn. Số hộ thuộc diện đói giáp hạt còn nhiều, việc di dân tự do, hoạt động tôn giáo trái phép còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp...
Cán bộ Hội Nông dân xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) hướng dẫn người dân trồng rau an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Bên cạnh đó, người nông dân có tôn giáo trong đời sống, sinh hoạt và sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do trình độ dân trí còn thấp, dễ bị tổn thương bởi tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai. Qua đó, làm cho một bộ phận nông dân có tôn giáo vẫn còn có thành kiến, định kiến và mặc cảm với chính quyền, dễ bị kích động, bị lợi dụng tham gia các hoạt động ngoài mục đích tôn giáo, gây mất trật tự an toàn xã hội nông thôn.
Trước tình hình đó, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy dân chủ, làm tốt chức năng đại diện cho hội viên, nông dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân. Công tác vận động nông dân được các cấp Hội thực hiện một cách thường xuyên, kịp thời và có hiệu quả. Đáng chú ý, phong trào “Dân vận khéo” đã được triển khai sáng tạo, gắn với các phong trào thi đua yêu nước của nông dân, với các mô hình cụ thể, thiết thực, phù hợp đời sống, lao động và sản xuất của hội viên, nông dân. Tiêu biểu như: Mô hình “Con đường mang tên Hội Nông dân”, “Làm theo Bác thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Chi hội xanh, sạch, đẹp”… Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, cũng được các cấp Hội quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ hội; đồng thời nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới.
Từ 2013 đến nay, qua hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 25- NQ/TW đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là việc cụ thể hóa những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới thành các chương trình và kế hoạch công tác của tổ chức hội còn chậm; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong tổ chức hội còn hạn chế cho nên hiệu quả các hoạt động vận động nông dân còn thấp. Công tác phối hợp các cơ quan chức năng để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người nông dân có lúc, có việc còn chậm trễ, chưa kịp thời đề xuất những giải pháp giải quyết hiệu quả những bức xúc của hội viên, nông dân. Một số cấp ủy đảng và chính quyền ở địa phương chưa nhìn nhận, chưa đánh giá đúng mức về vai trò Hội Nông dân đối với công tác dân vận. Việc thể chế hóa, điều chỉnh một số cơ chế, chính sách của T.Ư còn nhiều bất cập. Nhận thức của một số cán bộ các cấp Hội về công tác dân vận trong tình hình mới còn chưa đầy đủ, từ đó, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa gương mẫu, nói không đi đôi với làm, còn quan liêu, xa dân, xa cơ sở, chưa nêu cao trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, các cấp Hội Nông dân tăng cường vận dụng, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm và những giải pháp cơ bản đã nêu trong Nghị quyết vào việc xác định nội dung và xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội trên cả ba lĩnh vực xây dựng hội, tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước của nông dân và tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, cần chú trọng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các cấp hội theo hướng thiết thực, gắn với quyền lợi, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên mới. Đồng thời kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo cho cán bộ hội. Nghiên cứu ban hành chính sách đối với lực lượng cán bộ, nông dân cốt cán làm công tác dân vận ở cơ sở. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào và hoạt động của Hội.
Theo Trịnh Sơn/nhandan.com.vn