Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, Việt Nam cần ưu tiên phát triển kinh tế biển theo hướng phát triển kinh tế biển xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát huy kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong 10 năm qua, đáp ứng nhu cầu tình hình mới trên thế giới và khu vực, Việt Nam cần nghiêm túc đánh giá các nội dung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời, hướng Chiến lược đến năm 2030 theo xu thế của thế giới để sớm giảm bớt khoảng cách “tụt hậu” về biển.
Chiến lược biển cần hướng tới phát triển kinh tế biển xanh để giàu từ biển.
Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có thay đổi trong những năm tới, kinh tế biển thế giới chuyển dịch theo hướng “lấy đại dương nuôi đất liền”, áp dụng những thành tựu của nền kinh tế tri thức và của Cách mạng công nghiệp 4.0; chuyển từ khai thác xuất khẩu thô sang chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và tiết kiệm tài nguyên biển; mở rộng khai thác các giá trị chức năng, giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái, ưu tiên phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn theo hướng phát triển kinh tế biển xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương (vịnh Hạ Long là một ví dụ về kinh tế dựa vào bảo tồn).
Để thực hiện thành công các định hướng của Chiến lược biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần phát triển nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững trên cơ sở giải quyết đồng bộ các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển; giữa phát triển vùng biển, ven biển và đảo với phát triển vùng nội địa.
Đồng thời, làm rõ nội hàm kinh tế biển theo nghĩa rộng, bao gồm kinh tế biển, kinh tế dựa vào biển như kinh tế đảo và kinh tế ven biển. Trên cơ sở đó làm rõ tính liên kết và cụ thể hóa định hướng chiến lược phát triển kinh tế cho các mảng không gian kinh tế biển: kinh tế ven biển (huyện, thị ven biển), kinh tế đảo, kinh tế biển và kinh tế đại dương.
Ngoài ra, khoa học và công nghệ (KH&CN) biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển. Xây dựng tiềm lực KH&CN biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng KHCN và chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển, năng lượng biển tái tạo, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Kiện toàn hệ thống KHCN biển toàn quốc, hình thành đơn vị chuyên trách về điều tra cơ bản biển với các trang thiết bị hiện đại, nằm ven biển, bao gồm nhiệm vụ xây dựng và quản lý thống nhất hệ thống dữ liệu biển quốc gia mà hiện nay đang chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó, quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển, để bảo đảm tính liên kết trong phát triển kinh tế biển ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển. Cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên từng địa bàn cho hợp lý trên cơ sở tiếp cận dựa vào hệ sinh thái để từng bước chuyển từ nền kinh tế biển "nâu" sang "xanh lam". Trên cơ sở quy hoạch không gian biển tăng cường kiểm soát phát triển kinh tế biển, mức độ tuân thủ quy hoạch, tác động đến môi trường, lãng phí tài nguyên, tác động xã hội và an ninh, quốc phòng.
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đúng vị thế, vai trò và tiềm năng của biển; về chủ quyền, các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với các nguồn tài nguyên và nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Xây dựng và quảng bá ‘thương hiệu biển Việt Nam’.
Đẩy mạnh mặt trận ngoại giao để giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.
Tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại theo hướng hiệu quả, kịp thời. Tiếp tục đẩy mạnh mặt trận ngoại giao để giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông, tăng cường đoàn kết ASEAN và củng cố tình hữu nghị và hợp tác thực chất với các nước láng giềng; thúc đẩy việc xây dựng COC có ràng buộc pháp lý; tiếp tục đàm phán phân định các vùng biển, đảo (thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế,...) chồng lấn với các nước láng giềng; tăng cường hợp tác đa phương và song phương với các bên liên quan để hợp tác phát triển kinh tế và ngăn chặn nguy cơ xung đột, giữ vững môi trường hòa bình và phát triển.
Duy trì môi trường hòa bình trong khu vực Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển là chủ trương đã được ghi trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thể hiện thiện chí của dân tộc ta, đặc biệt đây cũng là một trong 3 nguyên tắc chỉ đạo trong Luật biển Việt Nam (2012).
Chủ động nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và đảo để đề xuất giải pháp thích ứng và giảm thiểu. Xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và đảo.
Cân nhắc các vấn đề môi trường - tài nguyên biển và các rủi ro vào các dự án đầu tư phát triển, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở vùng ven biển, biển và hải đảo.
Quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển. Tăng cường kiểm soát và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc,... Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các habitat đã bị mất, các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái.
Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; tiếp tục nghiên cứu để phát hiện các vùng biển giàu, đẹp, có các giá trị quốc gia, quốc tế để trình cấp có thẩm quyền cũng như các tổ chức quốc tế công nhận. Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ sản, nguồn giống hải sản tự nhiên,... đang giảm sút.
Trước mắt phải kiên quyết giảm số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, tổ chức lại đội hình đánh bắt hải sản và tăng cường hiệu suất khai thác hải sản, cùng với ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái ven biển, biển và đảo đã bị suy thoái./.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi
(Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam)
Theo VOV.VN