Cập nhật: 08/10/2018 15:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiến lược biển Việt Nam giai đoạn đầu kết thúc năm 2020 tạo tiền đề vững chắc để kinh tế biển bước sang giai đoạn chiến lược mới với tầm nhìn mới.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định ba mục tiêu tổng quát là: phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

Chiến lược biển đến năm 2020 phấn đấu đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.

Nhiều chuyển biến tích cực

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, các bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương có biển đã nỗ lực cụ thể hóa Chiến lược biển vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế biển. Kết quả bước đầu cho thấy, phát triển kinh tế gắn với biển đã có những chuyển biến tích cực đáng kể. Chẳng hạn, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, doanh thu du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 70% tổng doanh thu toàn ngành năm 2017.

Đối với lĩnh vực kinh tế hàng hải, giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu liên tục gia tăng, với tốc độ tăng trong giai đoạn 2007-2010 là 22%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 13%/năm. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng theo các năm (năm 2015 đạt 427,3 triệu tấn, năm 2017 đạt khoảng 511,6 triệu tấn).

GS. TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển đánh giá, sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam đã đạt rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế biển. Đó là kinh tế của các tỉnh có biển, các huyện biển đảo đã có khởi sắc; các khu kinh tế biển đã và đang xây dựng phát triển; hệ thống cảng biển, giao thông biển cũng được quan tâm phát triển hơn…

Nhờ thực hiện Chiến lược biển, tính đến hết năm 2017, cả nước đã có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, với tổng diện tích gần 845.000 ha, thu hút khoảng 78,6 tỷ USD vốn đầu tư. Cả nước có 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, với tổng diện tích đất công nghiệp gần 13.600 ha. Các khu kinh tế ven biển đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm... “Đây là những mặt tích cực, hiệu quả không thể phủ nhận được của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, GS Đặng Đình Đào đánh giá.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, 10 năm qua, các lĩnh vực kinh tế biển đều được chú trọng phát triển khá đồng bộ, bao gồm khai thác và chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải (gồm xây dựng đội tàu, phát triển hệ thống cảng biển và công nghiệp sửa chữa, dịch vụ logistics); kinh tế hải sản và nuôi trồng hải sản; du lịch biển đảo và các khu nghỉ dưỡng ven biển; phát triển khu công nghiệp, đô thị ven biển.

Chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản, tỷ lệ tăng trung bình hàng năm 15-20% và dự kiến đạt kim ngạch kỷ lục 10 tỷ USD năm 2018. Chủ trương thực hiện đánh bắt xa bờ bằng tàu vỏ thép đã được triển khai với quy mô lớn với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia của nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chế tạo, ngân hàng và ngư dân.

Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế

Kết quả thống kê bước đầu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về các chỉ số GDP, GRDP, thu nhập bình quân đầu người cho thấy, trong 10 năm qua, đóng góp của kinh tế biển và ven biển vào GDP cả nước từ 48% năm 2005, giảm xuống còn 40,73% năm 2010 và năm 2017 ước đạt 30,19%. Thu nhập bình quân đầu người của người dân sống ở 28 địa phương có biển đã tăng gấp 4,84 lần trong giai đoạn 2006-2016, nhưng vẫn thấp hơn so với cả nước về số tuyệt đối: Năm 2006 là 627 USD/người/năm (so với mức 637 USD của cả nước); năm 2016 là 3.035 USD/người/năm (so với mức 3.049 của cả nước).

Đời sống ngư dân được cải thiện hơn so với trước khi có Chiến lược biển.

Đóng góp của ngành dầu khí vào kinh tế cả nước cũng giảm rõ rệt. Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp của ngành dầu khí (bao gồm cả thăm dò, khai thác và chế biến dầu, khí) vào GDP khá cao và ổn định trong giai đoạn từ 2007-2010, với mức đóng góp trung bình là 10,83%; sau đó giảm xuống mức trung bình 7,21% trong giai đoạn 2010-2014, đến năm 2015 mức đóng góp này chỉ còn 3,79% và năm 2017 là 2,76%.

GS Đặng Đình Đào cho rằng, công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong việc triển khai Nghị quyết còn hạn chế, do đó, tiềm năng biển chưa được khai thác hết. “Các khu kinh tế ven biển hoạt động chưa hiệu quả do thiếu sự kết nối cơ sở hạ tầng với các vùng kinh tế trọng điểm của các địa phương”, GS Đặng Đình Đào nhận định.

Theo GS Đào, đã 10 năm triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nhưng vấn đề môi trường, đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy sản vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Chính vì vậy, khai thác và chế biến hải sản dù đã tăng 50% trong 10 năm từ 2,07 triệu tấn năm 2007 lên 3,07 triệu tấn năm 2016 và 3,19 triệu tấn năm 2017. Song, theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tỷ trọng đóng góp của ngành vào GDP chưa cao, đạt trung bình 1,99% giai đoạn 2007-2010, 1,91% giai đoạn 2011-2015 và 1,8% trong hai năm 2016-2017, thể hiện xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

“Hơn 3000 km bờ biển của Việt Nam vẫn còn tình trạng xả thải làm ô nhiễm môi trường biển. Ý thức của cộng đồng, người dân trong việc giữ gìn tài nguyên biển chưa cao”, GS Đặng Đình Đào chỉ rõ.

Ngoài ra, nếu hệ thống logistics biển tốt sẽ là đòn bẩy quan trọng cho kinh tế biển phát triển. Nhưng thực tế, hệ thống hậu cần để phục vụ cho kinh tế biển (cụ thể là logistics) vẫn chưa được quan tâm đầu tư phát triển đúng mức.

GS Đặng Đình Đào cũng đánh giá, hiện Việt Nam có hơn 20 cảng biển quốc tế nhưng thực tế chưa có cảng nào được đầu tư xứng tầm quốc tế. Một số cảng biển còn có tình trạng bị chia cắt theo kiểu “phân lô, chia nền”, do tỉnh nào cũng muốn thu hút dự án nên nhiều dự án cùng vào, làm cho quy hoạch cảng biển bị “nát”.

Lấy ví dụ tại một số tỉnh miền Trung như cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) chỉ có 13-14 ha mà có tới 5-6 dự án, doanh nghiệp vào đầu tư khai thác, GS Đào cho rằng, mỗi doanh nghiệp 2-3 ha thì khó xây dựng theo quy mô của 1 cảng lớn quốc tế.

“Nhiều cảng biển bị chia cắt, “bằm nát” theo từng dự án, hậu cần logistic sau đó sẽ thế nào? Chưa kể các bãi biển bị chia cắt bởi các khu du lịch, resort”, GS Đào lo ngại.

Nhìn chung, đến thời điểm này, kết quả phát triển kinh tế biển chưa đạt mọi mục tiêu như kỳ vọng của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đặt ra. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu đạt được là rất quan trọng. Vấn đề đặt ra là cần thẳng thắn đánh giá một cách khách quan, khoa học về kết quả và chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của nó để cùng tìm giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và chuẩn bị cơ sở cho một chiến lược mới hiệu quả hơn giai đoạn tiếp theo./.

Theo Nhóm PV/VOV.VN

Tệp đính kèm