Một trong những thành tựu nổi bật trong việc thực hiện Chiến lược biển 10 năm qua là việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, hải đảo, gồm hệ thống pháp luật phục vụ quản lý tổng hợp, các luật chuyên ngành, các quy hoạch phát triển các vùng biển và các ngành.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Nhờ đó đã tạo ra sự bứt phá trong khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đẩy nhanh việc xây dựng và đưa vào khai thác các dự án phát triển ven biển, làm đổi thay bộ mặt kinh tế-xã hội ở những khu vực này.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật
Mở đầu cho hướng mới trong pháp luật về quản lý biển của Việt Nam là việc ra đời Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 6/3/2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển theo phương thức quản lý tổng hợp dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái. Để triển khai thi hành Nghị định này, đã có 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 Thông tư liên tịch và 15 Thông tư được ban hành.
Tiếp đó, năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trong quản lý biển cũng đã được chú trọng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm thể chế hóa cơ chế phối hợp trong việc quản lý biển, đặc biệt là trong thực thi pháp luật trên biển. Việc phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã được quy định từ trước khi có Nghị quyết số 09-NQ/TW.
Các quy chế phối hợp nêu trên đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực thi pháp luật về biển và hải đảo. Giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã có sự phân công rõ ràng trong việc thực thi pháp luật trên biển đối với từng hoạt động, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng. Hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển đã được quan tâm xây dựng. Trong giai đoạn 2007 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có hàng loạt văn bản nhằm khuyến khích đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển và hải đảo.
Ngày 26/11/2014, Luật Đầu tư đã được Quốc hội ban hành. Theo đó, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thuộc đối tượng được ưu đãi đầu tư. Một số hải đảo cũng được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù như Thông tư của Bộ Tài chính số 93/2007/TT-BTC ngày 2/8/2007 về hướng dẫn một số cơ chế, chính sách ưu đãi tài chính đối với đảo Phú Quý.
Các chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân, dân bãi ngang ven biển, dân sinh sống trên các hải đảo và người lao động làm việc trên biển, vùng bãi ngang và hải đảo. Một số chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia về biển của Việt Nam, nhằm khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn trên các vùng biển xa, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo đã được ban hành và được người dân ủng hộ cao.
Có thể kể đến các chính sách như hỗ trợ xăng dầu, mua bảo hiểm, đào tạo máy trưởng, đào tạo thuyền trưởng, giao đất, mặt nước biển lâu dài cho ngư dân, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm số lượng tàu, thuyền nhỏ khai thác ở vùng biển ven bờ... Cùng với đó là các chính sách hợp tác phát triển nghề cá với các quốc gia có vùng đánh cá chung với Việt Nam; tổ chức thành lập các tổ đội, nghiệp đội đánh cá xa bờ; thiết lập và áp dụng một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đã xây dựng, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật khuyến khích đầu tư hiện đại hóa tàu cá khai thác trên biển, chú trọng vùng biển xa bờ; chuyển đổi dần từ tàu cá vỏ gỗ sang vỏ compozit, vỏ thép, vật liệu mới; cơ khí hóa các trang thiết bị khai thác trên tàu cá, ưu tiên trang bị máy thông tin vô tuyến điện sóng ngắn và hệ thống trạm bờ máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh GPS, hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh...
Chính phủ đã ban hành một số chính sách phát triển thủy sản tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (được sửa đổi và bổ sung tại các Nghị định số 172/2016/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP). Theo đó, hàng loạt chính sách ưu đãi về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác, nhằm phát triển thủy sản đã được áp dụng trong thực tiễn, tạo động lực mới cho việc phát triển ngành thủy sản, đặc biệt là khai thác hải sản ngoài khơi xa và nuôi trồng hải sản xa bờ. Đồng thời, sự ra đời của Luật Thủy sản 2017 đánh dấu một bước phát triển mới trong quản lý hoạt động thủy sản của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Việc ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi nêu trên đã có tác động tích cực đối với lực lượng lao động tại các vùng có điều kiện khó khăn gian khổ ven biển, trên đảo, trên biển. Đây là lực lượng hết sức quan trọng đối với việc hiện diện dân sự và phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Quản lý tổng hợp, thống nhất về biển
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhận định: Cho đến nay tư duy quản lý nhà nước về biển, hải đảo đã thay đổi, chuyển theo hướng quản lý tổng hợp và thống nhất. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập năm 2008. Tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, đến nay đã có 26 địa phương thành lập Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, số còn lại được tổ chức thành các phòng Biển và Hải đảo, hoặc nhiệm vụ quản lý biển và hải đảo được lồng ghép vào các phòng chuyên môn khác thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Hệ thống các cơ quan quản lý về biển từ Trung ương đến địa phương đã được thành lập và đi vào hoạt động 10 năm qua, bước đầu đã phát huy vai trò quản lý tổng hợp về tài nguyên và môi trường biển. Ở cấp Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giao Bộ thực hiện chức năng quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Trong đó, cơ quan được giao trực tiếp thực hiện chức năng quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết từ khi thành lập đến nay, Tổng cục đã từng bước kiện toàn về tổ chức; xây dựng đội ngũ công chức thực hiện công tác quản lý về biển và hải đảo; tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và tổ chức thực thi các văn bản pháp luật; xúc tiến các hoạt động hợp tác quốc tế về biển; tổ chức điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển...; bước đầu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo.
Tại cấp địa phương, ngày 15/7/2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ đã có Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTNMT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban Nhân dân các cấp. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được xác định là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý tổng hợp về biển và hải đảo.
Đối với thực thi pháp luật trên biển, các lực lượng đóng vai trò nòng cốt gồm: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và Bộ đội biên phòng. Bên cạnh đó là sự tham gia của lực lượng hải quan, công an và các lực lượng thực thi pháp luật khác ở các khu vực cảng biển và vùng ven biển, trên các hải đảo. Các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ trên biển; phòng, chống thiên tai trên đảo và các vùng ven biển.
Trong 10 năm qua, các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và Bộ đội biên phòng đã được đầu tư để ngày càng lớn mạnh, chính quy, hiện đại, bảo đảm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển; bảo đảm an ninh, an toàn, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hoạt động kinh tế biển phát triển. Các lực lượng này đã có sự phân công, phối hợp chặt chẽ với nhau, kịp thời tham mưu và trực tiếp thực thi nhiệm vụ.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cũng đã phối hợp với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc chống cướp biển; chống buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác hải sản trái phép trên các vùng biển; bảo vệ ngư dân trước các đối tượng xâm hại, đồng thời xác minh các trường hợp vi phạm vùng đánh bắt thủy sản của ngư dân bị các lực lượng chức năng các nước bắt, xử lý, để có cơ sở giúp đỡ pháp lý cho các đối tượng này theo thông lệ quốc tế.
Với việc hình thành cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ thống quản lý nhà nước về biển ở nước ta đã hoàn thiện thêm một bước và bước vào một giai đoạn mới. Hệ thống này rất cần được tăng cường năng lực nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả quản lý, đặc biệt là cần nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, liên vùng, hướng mọi hoạt động quản lý, khai thác biển, đảo trong các ngành, lĩnh vực phù hợp với những chuẩn mực, yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, hải đảo theo nguyên tắc phát triển bền vững./.
Theo HOÀNG NAM (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/tao-but-pha-trong-quan-ly-tai-nguyen-va-bao-ve-moi-truong-bien-dao/527617.vnp