Cập nhật: 14/10/2018 08:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định một nội dung quan trọng là nâng cao chất lượng dân số. Ðây là tiền đề để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Cán bộ y tế xã Nậm Sài, huyện Sa Pa (Lào Cai) tuyên truyền về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cho người dân. Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Cuộc CMCN 4.0 đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ðó là cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với từng cá nhân, doanh nghiệp và cả quốc gia trong việc tận dụng những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại. Vấn đề quan trọng nhất, có yếu tố quyết định là muốn ứng dụng CMCN 4.0 thành công phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, cần phát triển và đào tạo ngay nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có thể áp dụng được công nghệ số trong nghề nghiệp của mình và một đội ngũ chuyên gia có thể sáng tạo ra công nghệ số cho những nghề nghiệp đó, nhất là những nghề trong định hướng phát triển của đất nước.

Thống kê cho thấy, dân số Việt Nam năm 2018 là 94,66 triệu người, trong đó số dân sinh sống ở nông thôn là 61,03 triệu người, chiếm 64,5%. Nước ta hiện đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,1 triệu người, trong đó số dân trong độ tuổi lao động là 48,4 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ người có trình độ chuyên môn kỹ thuật vẫn thấp, mới chỉ chiếm 16%, trong đó có trình độ cao đẳng và đại học trở lên là 8,7%, trình độ sơ cấp nghề và trung cấp chiếm 5,3%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, quy mô lực lượng lao động (LLLÐ) của Việt Nam liên tục gia tăng, từ 38,5 triệu người (năm 2000) lên 54,4 triệu người (năm 2016). Như vậy, trong vòng hơn 15 năm, LLLÐ của Việt Nam đã tăng thêm khoảng 15,9 triệu người, trung bình mỗi năm tăng hơn một triệu người, với mức tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 2,6%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng bình quân của dân số (xấp xỉ 1,1%/năm). Tỷ lệ tham gia LLLÐ chung của Việt Nam cũng đang ở mức cao (cao nhất trong khu vực), cho thấy lượng cung lao động là khá lớn.

Cuộc CMCN 4.0 vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho nên đây sẽ là cơ hội quý mà Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp thì sức ép của cuộc cách mạng này đặt ra cho sự phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. CMCN 4.0 ở Việt Nam cho thấy có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với phát huy cơ cấu dân số vàng, tức sử dụng lực lượng lao động đang trong giai đoạn cực đại, với tổng số dân đạt 95 triệu vào 2019.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu dân số (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) cho rằng, đứng trước những cơ hội và thách thức nêu trên, trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 21, ngay trong giải pháp thứ nhất đã xác định: Ðưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp. Về giải pháp bảo đảm nguồn lực cũng đã xác định: bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao... nhằm nâng cao chất lượng dân số, đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách.

Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới có tầm quan trọng rất lớn đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ CMCN 4.0. Chính phủ đã phân công cụ thể việc xây dựng các đề án, chương trình hành động triển khai thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu mà nghị quyết đề ra… Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cũng đã hoạch định nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt xác định các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu số ứng dụng công nghệ thông tin như: Triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng đề án củng cố hệ thông tin thống kê chuyên ngành dân số: Hình thành hệ thống lưu trữ, kết nối thông tin số liệu dân số, cung cấp thông tin, số liệu dân số đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức trong toàn xã hội, phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Theo THANH MAI/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm