Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến thời điểm này, cả nước đã có 3.542 xã (39,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 64 xã (0,72%) so với cuối tháng 8/2018; bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã; còn 88 xã dưới 5 tiêu chí.
Hệ thống trường học, đường làng chuẩn bêtông hóa, quy hoạch hệ thống kênh mương sạch đẹp, đạt tiêu chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Bồng Lai (Quế Võ, Bắc Ninh). (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN
Bên cạnh đó, có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Như vậy, so với mục tiêu đề ra, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành mục tiêu năm 2018 trước 3 tháng so với kế hoạch.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, mục tiêu năm 2018 cả nước có khoảng 39% số xã (khoảng 3.500 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng thời, có ít nhất có 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Như vậy, so với kết quả đã đạt được thì Chương trình xây dựng nông thôn mới đã "về đích" trước 3 tháng.
Thời gian tới, đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải đảm bao chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích.
Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên tập trung đầu tư ở cấp thôn, bản; tập trung chỉ đạo 4 huyện thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu, làm cơ sở đánh giá, đề xuất tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.
Theo ông Tiến, thời gian tới, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phấn đấu trong năm 2019 sẽ hoàn thành mục tiêu cho cả giai đoạn 2016-2020 mà Quốc hội đã đề ra.
Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2018, ông Tiến cho rằng, nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn; dồn nguồn lực nhiều hơn, có cách nhiều cách làm sáng tạo, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng, đánh dấu một bước chuyển về chất trong thực hiện Chương trình (phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm, tổ chức lại sản xuất, môi trường và văn hóa cộng đồng...).
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp hiệu quả để xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản của chương trình...
Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn. Trong khi một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam...) để chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thì một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp (như Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng).
Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý; trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước có tiến bộ nhưng chuyển biến chưa rõ nét vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm.
Theo THÀNH TRUNG (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-ve-dich-truoc-3-thang/529902.vnp