Cập nhật: 16/10/2018 15:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày Lương thực thế giới năm nay có chủ đề “Hành động hôm nay - Tương lai ngày mai. Để thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 là điều có thể”. Ngày Lương thực thế giới đã nhắc nhở cộng đồng quốc tế, các quốc gia cam kết, xóa bỏ mọi hình thức suy dinh dưỡng và nâng cao nhận thức rằng có thể xây dựng được thế giới không còn nạn đói vào năm 2030.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày lương thực thế giới lần thứ 38 và 40 năm hoạt động của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam sáng nay 16/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Việt Nam là nước có diện tích đất đai không lớn với 33 triệu ha, trong đó 10,3 triệu ha có thể sử dụng trong nông nghiệp.

Vào cuối những năm 1980, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn lương thực, tỷ lệ đói nghèo rất cao (gần 70%). Nhờ cải cách, mở cửa từ năm 1986 và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế, trong đó có FAO, Việt Nam không những sản xuất đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước mà hàng năm còn xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo cho thị trường thế giới.

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho gần 95 triệu người dân, đảm bảo ổn định xã hội và sinh kế cho gần 65% dân số khu vực nông thôn, đóng góp 17% GDP cho quốc gia.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo, nhưng Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nêu rõ: Nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với 2 thách thức lớn. Đó là khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Để đối phó với những thách thức trên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai thực hiện 2 chương trình lớn về xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước khó khăn về khả năng cạnh tranh và tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày Lương thực thế giới năm nay có chủ đề “Hành động hôm nay - Tương lai ngày mai. Để thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 là điều có thể”. Ngày Lương thực thế giới đã nhắc nhở cộng đồng quốc tế, các quốc gia cam kết, xóa bỏ mọi hình thức suy dinh dưỡng và nâng cao nhận thức rằng có thể xây dựng được thế giới không còn nạn đói vào năm 2030. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của FAO tại Việt Nam. Kể từ khi hoạt hoạt động tại Việt Nam từ năm 1978, hoạt động quan trọng của FAO xuyên suốt là đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người.

Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều loại nông, lâm, thuỷ sản với tổng kim ngạch đạt khoảng 36,5 tỷ USD. Theo ước tính năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 40 tỷ USD.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Việt Nam đã tích cực hưởng ứng sáng kiến “Không còn nạn đói” của Liên Hợp Quốc phát động. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 12/5/2016 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2025. Tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam cùng với việc phân công phân nhiệm cụ thể cho các bộ, ban ngành thực hiện chương trình này. 

Theo  Đỗ Hương/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm