Cập nhật: 17/10/2018 08:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sóc Bom Bo, một địa danh nổi tiếng trên địa bàn xã Bình Minh, huyện Bù Đăng của tỉnh Bình Phước, được cả nước biết đến qua lời bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Những đóng góp to lớn cho cách mạng của người dân Bom Bo đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Trong tương lai gần, hy vọng Bom Bo là điểm đến du lịch hấp dẫn, bởi nơi đây không chỉ là địa chỉ cách mạng năm xưa, mà còn có nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào XTiêng.

Sóc Bom Bo (Bình Phước) được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Từ “Căn cứ nửa lon” đến “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”

Sóc Bom Bo là một trong những địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào XTiêng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị xây dựng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên và mở đường 559 (đường Hồ Chí Minh sau này). Khoảng đầu năm 1960, đoàn cán bộ do Xứ ủy Nam Kỳ và Tỉnh ủy lâm thời Phước Long được cử về tập kết ở Bom Bo. Cách mạng về, đồng bào XTiêng tiến hành chiến tranh du kích và đấu tranh chống càn quét của kẻ thù, bảo vệ buôn, sóc, bảo vệ cán bộ. Cuối năm 1961, Chi bộ đảng người dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Phước Long được thành lập tại sóc Bom Bo, do đồng chí Điểu Beo làm Bí thư. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt; cán bộ, chiến sĩ hoạt động tại Bom Bo hết sức khó khăn, lương thực thiếu thốn phải ăn măng tre, lá nhíp, đọt mây... Mỗi ngày tiêu chuẩn chỉ dùng nửa lon gạo cho mỗi người, vì thế mà tên gọi “Căn cứ nửa lon” ra đời.

Bị địch phá hoại sản xuất, đốt phá nương rẫy, song đồng bào sóc Bom Bo vẫn mưu trí tổ chức sản xuất và tích cực ủng hộ nhiều lúa gạo cho cách mạng. Thậm chí, có hộ còn ủng hộ số lúa đang ngậm sữa trên nương rẫy với tinh thần: “Tất cả vì chiến dịch, hậu cần tốt - thắng trận to”. Đồng bào còn vào tận ấp chiến lược vận động người dân ủng hộ lương thực, thực phẩm, đồ dùng cho cách mạng.

Già làng Điểu Lên, một nhân chứng lịch sử cho biết: Đồng bào ở đây ban ngày lên nương trồng lúa, trồng mì, tối về đốt đuốc giã gạo cho đến gần sáng. Có thời điểm, chỉ trong bảy ngày đêm giã gạo liên tục, đồng bào sóc Bom Bo đã cung cấp cho chiến dịch năm tấn gạo, vượt chỉ tiêu đề ra. Sau mỗi trận đánh giành thắng lợi, dưới ánh lửa bập bùng của đuốc lồ ô, những chàng trai giải phóng quân đứng bên các cô gái XTiêng cùng giã chung cối gạo. Cả sóc Bom Bo bừng lên khí thế cách mạng sôi nổi, tất cả vì chiến dịch và đây là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Xuân Hồng viết nên bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” còn sống mãi với thời gian. Vinh dự hơn, vào ngày 28-4-2000, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bom Bo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Chung tay để Bom Bo đổi mới

Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa tại sóc Bom Bo, UBND tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện dự án “Khu bảo tồn văn hóa dân tộc XTiêng sóc Bom Bo”. Năm 2015, dự án hoàn thành giai đoạn 1. Đây là dự án có ý nghĩa lớn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của người XTiêng nói chung và đồng bào sóc Bom Bo nói riêng. Diện tích quy hoạch khu bảo tồn là 113 ha gồm ba quả đồi, 180 hộ dân với 760 nhân khẩu, dự toán kinh phí xây dựng 298 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1, UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng các hạng mục công trình: Chi phí giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế; công trình sân lễ hội và hệ thống điện, nước; nhà đón tiếp; đường giao thông trục chính và hệ thống chiếu sáng; đường giao thông nội bộ đoạn từ đường trục chính lên khu vực sân lễ hội và xuống khu vực tái định cư tại chỗ; hai nhà dài truyền thống dân tộc XTiêng; làng nghề truyền thống; điểm Trường tiểu học Xuân Hồng… Hiện nay, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc XTiêng sóc Bom Bo được giao cho UBND huyện Bù Đăng quản lý và lập kế hoạch đầu tư phát triển du lịch theo mô hình “cùng ăn cùng ở, cùng làm với nhân dân”.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc XTiêng sóc Bom Bo Đàm Hữu Xuyên cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng xong đề án hoạt động của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc XTiêng sóc Bom Bo giai đoạn 2018 - 2023 và đang trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Trước mắt, chúng tôi đào tạo nhân lực nòng cốt gồm: Thuyết minh, lễ tân, phục vụ, nấu ăn, bảo vệ, chăm sóc cây, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, duy trì các hoạt động làm nghề truyền thống như: nấu rượu cần, dệt thổ cẩm, biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, diễn xướng dân gian…

Mặc dù Khu bảo tồn văn hóa dân tộc XTiêng sóc Bom Bo đang trong giai đoạn xây dựng nhưng hằng tháng vẫn đón tiếp khoảng hai nghìn lượt du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm. Đến với Bom Bo, du khách được thưởng thức các món ăn truyền thống của người XTiêng chế biến từ đặc sản núi rừng. Buổi tối, du khách được uống rượu cần, đốt lửa trại giao lưu văn hóa. Hãy đến với Bom Bo, để được nghe nhịp chày giã gạo, để cảm nhận tình người nồng ấm, chân thành của đồng bào XTiêng.

Bài và ảnh: NHẤT SƠN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm