Trong những năm gần đây, thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm (CGC), Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh CGC ở động vật. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhiễm các chủng vi-rút CGC vào Việt Nam là rất cao, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới.
Hằng năm có hàng triệu con gia cầm mắc bệnh bị tiêu hủy.
Tại Hội nghị Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh CGC giai đoạn 2014 - 2018 và thống nhất Kế hoạch giai đoạn 2019 – 2025 được tổ chức sáng 16-10, tại Hà Nội, các đại biểu tập trung thảo luận tìm ra những giải pháp phòng tránh bệnh CGC tại Việt Nam và giảm thiểu những nguy cơ lây lan dịch bệnh từ gia cầm sang con người.
Mỗi quốc gia hằng năm phải tiêu thụ hàng triệu con gia cầm bị bệnh
Bệnh CGC là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền giữa động vật và người; bệnh đã xuất hiện và gây thành dịch trầm trọng ở gia cầm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới; làm nhiều người bị nhiễm, chết và có nguy cơ trở thành đại dịch ở người.
Trong số 127 người mắc bệnh, đã có 64 (50,4%) không qua khỏi và tử vong vì nhiễm vi-rút cúm gia cầm A/H5N1.
Bệnh CGC có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và an sinh xã hội; khi dịch bệnh phát sinh sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm; ảnh hưởng tới xuất khẩu sản phẩm gia cầm và sản phẩm gia cầm của Việt Nam sang các nước.
Trên toàn thế giới, từ năm 2003 đến tháng 9-2018, hằng năm có hàng chục nước báo cáo có CGC và các nước buộc phải tiêu hủy hàng triệu con gia cầm mỗi năm; tổng cộng đã có 860 người nhiễm vi-rút cúm A/H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 454 (52,8%) người tử vong; ngoài ra, từ năm 2013 đến nay đã có 1.625 người nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 623 (38,3%) người chết, chủ yếu tại Trung Quốc.
Hội nghị triển khai kế hoạch phòng chống bệnh CGC sáng 16-10.
Tại Việt Nam, bệnh Cúm A/H5N1 lần đần đầu tiên được báo cáo xuất hiện trên gia cầm tại nước ta vào cuối năm 2003. Sau đó, Việt Nam là một trong những nước công bố dịch đầu tiên và bị thiệt hại nhiều nhất trên thế giới, với khoảng trên 45 triệu gia cầm bị tiêu hủy trong giai đoạn 2003 – 2006. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam phải tiêu hủy hàng trăm nghìn con gia cầm. Đồng thời, từ năm 2004 - 2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 (50,4%) người chết vì mắc bệnh Cúm A/H5N1.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Thú y: Trong giai đoạn 2014 - 2018, thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh CGC, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh CGC ở động vật; ngăn chặn thành công sự xâm nhiễm của vi-rút cúm A/H7N9 vào Việt Nam; không có ca bệnh CGC trên người và không có người nhiễm vi-rút cúm A/H7N9; đã xuất khẩu được sản phẩm gia cầm sang thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhiễm các chủng vi-rút CGC vào Việt Nam là rất cao, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới với các nước. Kết quả giám sát cũng cho thấy tỷ lệ lưu hành vi-rút CGC típ A/H5N1 và A/H5N6 tương đối cao, trung bình khoảng 5%.
Kiểm soát chặt chẽ lây lan dịch bệnh
Để phòng chống dịch bệnh CGC, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hà Công Tuấn cho biết, ngay từ khi phát hiện dịch CGC vào cuối năm 2003, Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo toàn hệ thống chính trị cùng với ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh ở phạm vi toàn quốc.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT xây dựng, ký ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống bệnh CGC ở nhiều giai đoạn khác nhau.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, đến nay nước ta đã khống chế thành công dịch bệnh CGC, không để dịch bùng phát ra diện rộng. Hiện tại dịch bệnh có tính chất địa phương và chỉ phát sinh rải rác với số gia cầm mắc bệnh, chết giảm dần qua các năm.
Một đại diện tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm cho người đã giảm thiểu, số người mắc bệnh và số người tử vong do vi-rút CGC giảm mạnh qua các năm, đặc biệt từ nửa cuối năm 2014 đến nay không ghi nhận thêm ca bệnh trên người. Ngành chăn nuôi gia cầm được khôi phục và tăng trưởng ổn định đạt hơn 330 triệu con; giảm thiểu ô nhiễm môi trường do không tiêu hủy đàn gia cầm nhiễm bệnh với số lượng lớn.
Tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành cho biết: Dự thảo Kế hoạch giai đoạn 2019 – 2025, để phòng chống hiệu quả CGC cần huy động trên 762 tỷ đồng trong đó nguồn kinh phí trung ương trên 51 tỷ đồng, nguồn kinh phí địa phương trên 711 tỷ đồng.
Ông Thành cho rằng, giai đoạn này sẽ kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh CGC xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của CGC đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh lương thực và các hoạt động thương mại của Việt Nam.
Theo THANH TRÀ/nhandan.com.vn