Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai tại các tỉnh miền núi phía bắc đã làm 175 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 12.356 tỷ đồng.
Phun thuốc tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh tại huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: Thúy Phượng
Ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu gây ra những đợt mưa lớn, lũ quét bất thường, còn có cả nguyên nhân chủ quan do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.
* Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay (18-10), không khí lạnh suy yếu, trời giảm mưa, hửng nắng nhẹ, nền nhiệt nhích lên mức 24 đến 26oC. Nhưng từ ngày 23-10 sẽ tiếp tục có một đợt không khí lạnh nữa tràn xuống, nền nhiệt các tỉnh Bắc Bộ giảm ở mức lạnh về đêm và sáng. Dự báo nhiệt độ trung bình mùa đông năm nay tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ trong các tháng 11-2018 tháng 3 và 4-2019 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1oC.
* Cao Bằng là một trong những tỉnh có tổng đàn gia súc lớn với hơn 200 nghìn con. Ðể chống rét cho vật nuôi trong mùa đông năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu từ cấp cơ sở xây dựng kế hoạch phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc đến các thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Yêu cầu bà con dự trữ chất đốt như củi, cỏ, cành cây khô để sưởi ấm đàn gia súc những ngày rét đậm, rét hại và dự trữ đầy đủ thức ăn cho gia súc. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bảo đảm chuồng nuôi gia súc luôn khô ráo, không đọng nước.
* Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai vừa phát hiện bệnh lở mồm long móng tại đàn lợn 64 con ở thôn Toòng Già, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã thực hiện khẩn cấp các biện pháp khoanh vùng bao vây và xử lý dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển và giết mổ lợn ở địa phương, nhất là trên tuyến biên giới. Ðược biết, toàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 500 nghìn con lợn, trong đó riêng huyện Bảo Thắng có hơn 200 nghìn con, chiếm 40% tổng đàn lợn của tỉnh.
* Ngày 17-10, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ðác Lắc tổ chức tiêu hủy 2.500 con vịt bị dịch cúm A (H5N6) tại thôn 2, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông nhằm tránh tình trạng lây lan và bùng phát thành dịch. Trước đó, đàn vịt 2.500 con có dấu hiệu bỏ ăn và chết với số lượng từ 50 đến 100 con được Chi cục Thú y vùng 5 xét nghiệm, xác định dương tính với vi rút cúm A (H5N6).
* Tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) tình trạng xâm thực bờ biển ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, nhà cửa và tài sản của người dân. Ðược biết, trước đây toàn xã Quảng Nham có hơn 120 ha rừng phòng hộ phi lao chắn sóng, chắn cát bảo vệ 5,2 km đường bờ biển, nhưng cứ mỗi đợt mưa bão về biển xâm thực đất liền đã cuốn trôi nhiều héc-ta rừng phòng hộ.
* Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 201 tuyến, điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất 8.331m bờ sông, kênh, rạch kèm theo các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, có 78 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Riêng đợt đỉnh lũ hiện nay đã có 22 tuyến đê bao vỡ, chiều dài sạt lở 417m; 134 tuyến đê bao bị tràn, với chiều dài 93.894m; 23 đập vỡ, 54 đập tràn khiến 1.818 căn nhà bị ngập nước, bốn trường học bị ngập, hoa màu bị ngập 41,1 ha…
* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông đang diễn ra ở tất cả các huyện, thành phố, toàn tỉnh hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 138 km, trong đó có 104 điểm sạt lở bờ sông và tám điểm sạt lở bờ biển. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương rà soát các điểm sạt lở để đánh giá, phân loại mức độ sạt lở theo quy định và xây dựng kế hoạch từ nay đến năm 2020 cơ bản khắc phục xong các điểm sạt lở hiện có.
Khánh thành công trình phòng tránh thiên tai cho học sinh ở Quảng Trị
Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền trung, phối hợp Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam và huyện Ða Krông tổ chức lễ khánh thành, bàn giao công trình cộng đồng phòng tránh thiên tai Trường mầm non Hải Phúc, thôn 5, xã Hải Phúc, huyện Ða Krông (Quảng Trị). Công trình có quy mô hai tầng, sáu phòng học đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng diện tích xây dựng 740 m2. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình 5 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, công trình giúp học sinh xã Hải Phúc có điều kiện học tập, bảo đảm an toàn vào mùa mưa lũ.
Theo nhandan.com.vn