Sau hơn một năm bàn giao, đưa vào sử dụng, dự án nâng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Thạch Khê, huyệnThạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đang nằm bất động trước sự ngơ ngác và bức xúc của người dân. Thay vì đổ lỗi trách nhiệm cho nhau, chủ đầu tư và người dân vùng hưởng lợi dự án cần có sự phối hợp tích cực nhằm điều chỉnh, sữa chữa sai sót để vận hành dự án một cách hiệu quả nhất.
Trạm bơm và các hạng mục dự án “đắp chiếu” sau khi bàn giao.
Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc, Thạch Khê (Thạch Hà) do Ban quản lý các dự án ODA ngành nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh (nay là Ban quản lý dự án công trình nông nghiệp Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư với mục tiêu xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững cho người dân xã Thạch Khê.
Dự án được triển khai từ tháng 6 năm 2016, bao gồm các hạng mục xây dựng: hệ thống ống cấp nước, đường điện, trạm bơm… với tổng mưc đầu tư gần 5,5 tỷ đồng. Sau hơn một năm thi công, các hạng mục của dự án đã được bàn giao để người dân chuẩn bị đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, sau khi bàn giao, toàn bộ các hạng mục của dự án đều không thể vận hành được, bởi các tính năng của nó không phù hợp với điều kiện, nhu cầu nuôi tôm nước lợ của 31 hộ dân tại đây.
Theo ông Trương Đăng Chương, xã Thạch Khê (Thạch Hà), thông thường, mỗi khi bắt đầu các vụ nuôi, chúng tôi lựa chọn thời điểm đỉnh triều để lấy nước vào ao nuôi, tuy nhiên hệ thống ống dẫn nước và máy bơm của dự án có công suất, kích thước quá nhỏ, không thể cung cấp đủ nước khi thủy triều vùng nuôi đạt đỉnh, buộc các hộ nuôi phải lấy nước trong nhiều ngày, ảnh hưởng đến các công đoạn xử lý nước trước khi thả tôm. “Miệng ống hút cấp nước cho các ao nuôi được đặt ngay ở khu vực tiếp nhận nguồn nước thải, khiến việc xử lý môi trường, bảo đảm an toàn cho vật nuôi gặp rất nhiều khó khăn”. Hộ nuôi Bùi Thị Hải lo lắng.
Cùng chung quan điểm với những kiến nghị của các hộ dân trong khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc, Chủ tịch UBND xã Thạch Khê (Thạch Hà), Dương Đình Tiến khẳng định, những kiến nghị đề xuất chính đáng của người dân đã được chính quyền xã gửi đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mọi việc vẫn đâu vào đó.
Theo phản ánh của lãnh đạo chính quyền và người dân xã Thạch Khê, bên cạnh việc gây lãng phí nguồn lực đầu tư hàng tỷ đồng, quá trình triển khai xây dựng dự án nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc đã xảy ra nhiều sai phạm như: xâm lấn rừng phòng hộ; vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, đê điều.
Trao đổi với chúng tôi về những phản ánh, bức xúc của người dân, Phó Trưởng ban quản lý dự án công trình nông nghiệp Hà Tĩnh Hà Văn Trà thừa nhận, quá trình triển khai thi công Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc (Thạch Khê) đã xảy ra những sai phạm, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh thiết kế, địa điểm xây dựng các hạng mục thi công. Tuy nhiên, khi đề cập đến những lãng phí do quá trình điều chỉnh dự án gây ra, ông Hà Văn Trà cho rằng, vấn đề cốt lõi chính là sự thiếu đồng thuận trong nhân dân. “Với nguồn kinh phí vốn có, quy mô xây dựng các hạng mục xây dựng không thể vượt ra ngoài khả năng bố trí nguồn vốn. Chính vì vậy, người dân cần lựa chọn các phương án vận hành phù hợp với công năng của dự án”. Ông Trà nói.
Qua tìm hiểu được biết, những sai phạm, lãng phí tại Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Phúc Lộc (Thạch Khê) không phải ngẫu nhiên mà có. Vì vậy, bên cạnh việc làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan, tỉnh Hà Tĩnh cần sớm chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng phương án tháo gỡ vướng mắc, vận hành hữu hiệu dự án thay vì đỗ lỗi trách nhiệm cho nhau.
Theo Bài và ảnh: NGÔ TUẤN/nhandan.com.vn