Trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (Profit500) năm 2018 do Công ty Vietnam Report công bố, số lượng doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (14,8%), ngành điện (12,8%), ngành tài chính (11,2%), ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (10,4%) chiếm áp đảo so với các nhóm ngành còn lại.
Lợi nhuận trước thuế bình quân năm 2017 của 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất tăng trên 65% so với năm 2016. Các ngành có tỷ suất lợi nhuận bình quân ROA và ROE lớn nhất theo bảng xếp hạng Profit500 năm 2018 là: Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin; dược phẩm, y tế; vận tải và thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, đây là các ngành hoạt động hiệu quả cao trong thời gian qua. ROE trung bình ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin đang ở mức cao nhất, đạt gần 0,3 cho thấy các doanh nghiệp trong ngành hoạt động tốt khi thu về gần 3 đồng lời trên mỗi 10 đồng vốn bỏ ra, kế tiếp là ngành vận tải (0,24) và ngành dược phẩm (0,21).
Hưởng lợi nhờ kinh tế vĩ mô được điều hành tốt
Bên cạnh những thuận lợi tích cực và xu hướng phát triển tốt trong 3 quý đầu năm 2018, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức tiềm ẩn.
Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện là hai thị trường lớn, chi phối giá cả của nhiều nguyên nhiên liệu, sản phẩm trong nước. Tình hình cạnh tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang, đồng thời việc thuế nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng cao đang làm dấy lên những lo ngại của doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh về biến động tỷ giá và gánh nặng về thuế. 51,4% doanh nghiệp đã đánh giá “biến động tỷ giá hối đoái” là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay, kế đến là thuế với 42,9% lựa chọn của doanh nghiệp.
Trước những biến động của nền kinh tế, điểm đáng ghi nhận phần lớn các doanh nghiệp đánh giá hết sức tích cực hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, điều chỉnh tỷ giá và tiếp cận thông tin, văn bản luật pháp.
Có 97,1% doanh nghiệp nhận định từ tốt đến rất tốt về việc duy trì ổn định kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam 9 tháng vừa qua. Ba vấn đề chưa nhận được sự hài lòng của nhiều doanh nghiệp là hiệu quả của dịch vụ hành chính, cơ sở hạ tầng và tiếp cận đất đai.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan với kết quả hoạt động trong năm nay, 90% doanh nghiệp nhận định doanh thu sẽ tăng lên so với năm ngoái, 80% phản hồi lợi nhuận tăng lên và 8,6% cho biết lợi nhuận ổn định, không thay đổi.
Các doanh nghiệp hiện nay đang đẩy mạnh đầu tư, đặt trọng tâm chiến lược vào xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thời đại. “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” nằm trong top 3 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp nhằm tăng trưởng lợi nhuận trong 12 tháng tới. Trong đó, mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp là tăng năng suất lao động của nhân viên, gián tiếp tăng doanh thu của doanh nghiệp. Gần 65% doanh nghiệp cho biết đã phân bổ nguồn lực cho nhân sự và đây cũng là kênh đem lại hiệu quả cao trong thời gian qua.
Theo Anh Minh/Chinhphu.vn