Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã điều chỉnh 20 lần, trong đó mức tăng chênh lệch 2.920 đồng/lít đối với xăng Ron 95; 2.440 đồng/lít với xăng E5 Ron 92 và 3.450 đồng/lít với dầu đi-ê-den. Với diễn biến bất thường của giá dầu thế giới, cùng việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong thời gian tới lên mức kịch trần sẽ tác động không nhỏ đến cuộc sống người dân. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hợp lý ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” tăng giá hàng hóa “ăn theo” xăng dầu.
Thuế bảo vệ môi trường tăng sẽ tác động đến đời sống người dân.
Rục rịch tăng cước vận tải
Mặc dù lần điều chỉnh gần đây nhất (ngày 22-10), giá xăng được điều chỉnh giảm hơn 200 đồng/lít nhưng các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ta-xi vẫn dự kiến tăng giá cước nhằm bảo đảm hiệu quả kinh doanh của DN. Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Hãng ta-xi Quê Lụa cho biết, việc xăng giảm giá vừa qua chỉ là tạm thời, bởi trước đó giá xăng tăng từ ba đến bốn lần liên tiếp với mức tăng hơn 1.000 đồng/lít. Khi giá xăng dầu tăng cao, khiến chi phí dịch vụ vận chuyển tăng theo tương ứng. Nếu không điều chỉnh giá cước, sẽ gây khó khăn cho hoạt động của DN. Do đó, hãng dự kiến sẽ tăng khoảng 500 đồng/km và được áp dụng trong một, hai tuần tới. Vị đại diện của hãng ta-xi này cũng cho biết thêm, giá cước ta-xi được giữ ổn định trong gần hai năm nay, khi đó giá xăng ở mức 16 đến 17 nghìn đồng/lít. Hiện, xăng đã tăng giá lên mức hơn 20 nghìn đồng/lít, bắt buộc DN phải điều chỉnh tăng giá cước nhằm bảo đảm hiệu quả. Trong thời buổi cạnh tranh giữa các hãng vận tải ngày càng gay gắt như hiện nay, nếu tăng cao quá, DN sẽ bị mất khách hàng, còn không tăng sẽ bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Chính vì vậy, các hãng vận tải thường nhìn trước, ngó sau rồi mới điều chỉnh. Ngoài ra, mỗi lần điều chỉnh giá cước, DN ta-xi phải chịu các khoản chi phí đăng ký giá, cài đặt đồng hồ, dán giá cước mới,… từ 300 đến 400 nghìn đồng/xe cho nên các DN phải tính toán rất kỹ đối với mỗi lần điều chỉnh tăng, giảm giá cước.
Phó Giám đốc bến xe Gia Lâm (Hà Nội) Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, hiện các DN kinh doanh vận tải cố định đường dài chưa có động thái nào về việc điều chỉnh giá cước. Thậm chí một số nhà xe sẵn sàng sử dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm tối đa chi phí, chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tăng cao, vượt quá tầm chịu đựng, chắc chắn DN sẽ phải xây dựng phương án điều chỉnh giá cước nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động.
Một trong những vấn đề người dân quan tâm đó là tình trạng "té nước theo mưa" của các loại hàng hóa "ăn theo" giá xăng dầu. Liên quan vấn đề này, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Vũ Vinh Phú khẳng định, xăng dầu là yếu tố đầu vào của toàn xã hội, do đó, tác động nhìn thấy rõ khi xăng dầu tăng giá sẽ làm tăng giá cước vận tải. Tiếp đến, sẽ tác động làm tăng giá các loại hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người dân như thịt cá, rau củ quả,… Vấn đề ở đây là phải làm rõ mức tăng đó có hợp lý hay không. Bởi thực tế, có rất nhiều loại hàng hóa không chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng dầu nhưng chủ hàng vẫn vin vào cớ "tăng giá xăng" để đẩy mức giá hàng hóa lên. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời sử dụng các giải pháp điều chỉnh, bình ổn giá nhằm giữ ổn định thị trường.
Xây dựng lộ trình hợp lý
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó áp dụng điều chỉnh tăng kịch trần thuế BVMT với xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Ðây là một trong những vấn đề đang được người dân hết sức quan tâm, thuế BVMT tăng kịch trần sẽ tác động ra sao tới đời sống xã hội? Theo chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh, việc tăng giá xăng dầu sẽ gây ảnh hưởng tới giá cả các loại hàng hóa và tác động mạnh tới cuộc sống của người dân. Khi giá thành tăng cao, khiến cho sức cạnh tranh của DN bị suy yếu, một số mặt hàng của Việt Nam sẽ mất thị phần ở trong nước và các nước khác. Do đó, việc tăng thuế BVMT với xăng dầu cần phải có lộ trình, cơ quan chức năng cần nghiên cứu thời điểm, không nên tăng vào dịp trước Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Theo thống kê, dịp Tết người dân sẽ chi khoảng 30 đến 35% tổng số chi của cả năm và đây là mức chi rất lớn. Do đó, nếu tăng thuế BVMT đối với xăng dầu vào thời điểm này, sẽ tạo thêm gánh nặng đối với người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, lao động ở các khu công nghiệp. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần nghiên cứu và đánh giá kỹ về tác động của việc tăng thuế BVMT tới xã hội, cuộc sống của người dân, không nên tận thu như hiện nay.
Tương tự, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, vận tải là một ngành dịch vụ và xăng dầu là yếu tố đầu vào của ngành, chiếm khoảng 40% giá thành. Do đó, tăng giá xăng dầu sẽ tác động tới nền kinh tế và cuộc sống người dân, nhất là thời điểm cuối năm. Việc tăng thuế BVMT đã được dự tính từ trước, nhưng cần tính toán vào thời điểm thích hợp, người dân hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Nhà nước, nhưng số tiền thuế tăng thật sự được chi dùng vào đâu mới quan trọng. Tiền thu từ thuế BVMT đưa vào ngân sách phải chi trở lại để BVMT, bảo đảm cho người dân có môi trường sống tốt hơn. Ngoài ra, việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu có thể không tác động lớn đến lạm phát, nhưng sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến lực lượng lao động giản đơn, đối tượng có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương trong xã hội. Do đó, nên có đánh giá tác động đầy đủ cả hiệu ứng xã hội để có tầm bao quát và điều chỉnh hợp lý hơn.
Có thể thấy, tăng thuế BVMT đối với xăng dầu khiến người dân không chỉ phải mua xăng dầu với giá cao hơn, mà còn kéo theo giá hàng loạt mặt hàng khác tăng theo và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Nên chăng, Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm tăng thuế BVMT, với mức tăng hợp lý, nhằm ổn định giá cả thị trường, ổn định đời sống. Mặt khác, để tăng nguồn thu ngân sách bền vững, cần bảo đảm ổn định đầu vào, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm tăng tính cạnh tranh cho hàng sản xuất trong nước. Ðặc biệt, cần phải minh bạch, rõ ràng trong việc sử dụng tiền thuế BVMT. Tiền thuế BVMT phải chi lại cho hoạt động BVMT một cách cụ thể, công bố công khai để người dân thấy đúng và sòng phẳng là điều cần thiết. Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường (như xăng sinh học); hạn chế cấp phép các dự án công nghệ lạc hậu, gây ra những sự cố, khủng hoảng về ô nhiễm môi trường. Ðồng thời, giám sát chặt chẽ các nhà máy, công ty kinh doanh để giảm thải, có biện pháp xử lý các đơn vị sử dụng lãng phí năng lượng cũng như coi trọng khâu giám sát để không xả thải, gây ô nhiễm môi trường,...
Theo Bài và ảnh: Quỳnh Chi / nhandan.com.vn