Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành T.Ư khóa X (năm 2007) đã ban hành Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Một trong những nội dung của Hội nghị T.Ư 8 khóa XII là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 và nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hơn một thập kỷ qua, Chiến lược biển Việt Nam đã góp phần quan trọng, đem lại những thành tựu to lớn và toàn diện cho đất nước.
Khai thác dầu khí tại Giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. Ảnh: TRẦN HẢI
Chiến lược biển 2007: Cách tiếp cận toàn diện
Địa lý đất nước ta từ xưa đã được mô tả ngắn gọn trong câu “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”: Rừng núi chiếm ba phần, đất đai chỉ một phần, còn biển gấp tới bốn phần. Đó là cách nói ước lệ để chỉ đặc trưng địa lý mà thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho đất nước Việt Nam, rằng biển bao bọc trọn dải đất hình chữ S từ bắc tới nam. Chiểu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên, phần biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước ta có diện tích lên tới hơn một triệu km2, lớn hơn nhiều so với đất liền. Không chỉ có nguồn tài nguyên phong phú với giá trị khai thác kinh tế lớn, vùng biển nước ta còn giữ vị trí địa chiến lược, an ninh quốc phòng quan trọng.
Nhằm thực hiện mục tiêu về biển nêu trên, Nghị quyết 09-NQ/TW đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp tổng thể trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế-xã hội; an ninh-quốc phòng; tài nguyên-môi trường; hệ thống-thể chế. Hơn 10 năm triển khai Nghị quyết, cho thấy chiến lược biển đã đề ra những định hướng đúng đắn, vừa giúp đất nước tranh thủ được nguồn tài nguyên để phát triển các ngành nghề kinh tế biển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; song vẫn giữ vững môi trường hòa bình và chủ quyền biển đảo.
Trong lĩnh vực kinh tế, hơn 10 năm qua, kinh tế biển và ven biển luôn đóng góp hơn 30% vào GDP cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của người dân ven biển tuy thấp hơn mức trung bình chung của cả nước song không ngừng tăng, đạt mức tăng 4,84 lần trong giai đoạn 2006-2016. Các ngành nghề kinh tế biển mũi nhọn đều đạt được những thành tựu thuyết phục.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tổng thu trực tiếp từ khách du lịch năm 2017 đạt 510,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó doanh thu du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 70% tổng doanh thu toàn ngành. Kinh tế đảo đã được thúc đẩy phát triển và có triển vọng tăng trưởng tốt. Đến nay, ở hầu hết các huyện đảo đều đã hình thành được các khu, điểm du lịch và tổ chức các hoạt động du lịch thường xuyên đến các điểm đảo. Một số huyện đảo đã và đang trở thành những trung tâm du lịch như Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Lý Sơn.
Các quy định hỗ trợ phát triển khai thác hải sản giúp giá trị sản lượng khai thác và chế biển hải sản liên tục tăng trong 10 năm qua. Lĩnh vực vận tải biển cũng có bước phát triển đáng kể, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ven biển. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong ASEAN và đứng thứ 30 trên thế giới về năng lực vận tải biển; đứng thứ 64/160 quốc gia về mức độ phát triển của dịch vụ hậu cần.
Tính đến hết năm 2017, cả nước đã có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, với tổng diện tích gần 845 nghìn ha; 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, với tổng diện tích đất công nghiệp gần 13,6 nghìn ha. Năm 2016, các khu kinh tế ven biển đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 130 nghìn lao động.
Tuy nhiên, trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thực tiễn triển khai chiến lược biển hơn 10 năm qua cho thấy đôi khi xuất hiện những mâu thuẫn giữa một bên là duy trì môi trường hòa bình để hợp tác và phát triển kinh tế biển với một bên là đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biển đảo; đòi hỏi sự vận dụng khéo léo các hoạt động đối ngoại để bảo đảm các mục tiêu đã đề ra. Việt Nam đã cơ bản đạt được mục tiêu vừa phục vụ lợi ích phát triển kinh tế biển trên Biển Đông; đồng thời, bảo đảm được lợi ích an ninh và ảnh hưởng căn bản trên Biển Đông trong bối cảnh nguồn lực hạn chế. Điều này có sự góp phần quan trọng của chiến lược và triển khai hoạt động đối ngoại đúng đắn. Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với các nước, đặc biệt các nước lớn và góp phần củng cố đoàn kết trong ASEAN, nêu cao chính nghĩa, tạo thế và lực mới làm nền tảng cho hoạt động bảo vệ và phát triển bền vững trên biển.
Cụ thể là, ta vừa giữ được môi trường hòa bình, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể nói, ta đã cơ bản bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế. Điển hình là vụ việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2014, ta đã kiên quyết và kiên trì, bền bỉ đấu tranh trên nhiều mặt trận, buộc Trung Quốc phải rút lui.
Thời cơ và thách thức mới trong bối cảnh mới
Chiến lược biển 2007 là một bước tiến mới về hoạt động “trị biển” của nước ta. Vì thế, bên cạnh những thành tựu quan trọng, việc tồn tại những hạn chế là điều không tránh khỏi. Hạn chế trước mắt là trong quá trình triển khai chiến lược biển còn có một số nội dung chưa tuân thủ những quy luật khách quan của vận động xã hội và cơ chế thị trường, cơ chế quản lý chưa phù hợp, bộ máy vận hành chất lượng chưa cao, sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, đồng bộ.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là những thay đổi cơ bản trong cục diện khu vực và quốc tế mà chúng ta chưa lường hết được. So với giai đoạn trước năm 2007, khi ban hành Nghị quyết 09, tình hình chính trị và quan hệ quốc tế hiện nay đã có nhiều biến đổi.
Bên cạnh đó, nhiều thách thức an ninh phi truyền thống như ô nhiễm môi trường biển và cạn kiệt nguồn tài nguyên nổi lên ngày càng gay gắt trên Biển Đông. Đó sẽ là những thách thức trực tiếp tới quá trình phát triển và bảo vệ an ninh trên biển của nước ta.
Chặng đường tương lai
Trong bối cảnh và xu thế hiện nay, khi tình hình trên Biển Đông tiếp tục diễn biến hết sức khó lường và các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt, tư duy biển phải được đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, lấy hội nhập làm hướng đi chính, lấy xây dựng nội lực làm trung tâm và đặt trong chiến lược bảo đảm an ninh, quốc phòng của Việt Nam trong tình hình mới.
Xét một cách tổng thể, để đạt được mục tiêu tổng quát mà chiến lược biển đặt ra, trong thời gian tới ta cần phát huy sức mạnh toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, biến thách thức thành cơ hội. Vận dụng tối đa luật pháp quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ chính nghĩa của các nước trên thế giới để kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, tích cực cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức chung. Cần xây dựng chính sách phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, đi đôi với hợp tác bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên và môi trường trên biển.
Theo HOÀNG LAN/nhandan.com.vn