Cập nhật: 05/11/2018 14:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hơn 10 năm qua (2007-2018), công tác điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển, đảo đã được quan tâm đẩy mạnh và thu được những kết quả đáng kể. Trong đó, Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài  nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đến nay đã có 22 dự án hoàn thành, nghiệm thu cấp Nhà nước để chuyển giao kết quả cho các Bộ, ngành và địa phương có biển, 19 dự án đang triển khai thực hiện. Bên cạnh đó nhiều nhiệm vụ, dự án điều tra cơ bản khác được triển khai trong Chương trình "Nghiên cứu  khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải  đảo và phát triển kinh tế biển"... Các kết quả điều tra cơ bản cung cấp những thông tin khách quan, tin cậy, giúp nhận thức rõ hơn về biển Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Đồng thời cung cấp các số liệu, tài liệu làm rõ hơn các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường các vùng biển Việt Nam

* Hoàn thiện chính sách pháp luật

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên: Các kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đã cung cấp căn cứ khoa học cho việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên, môi trường biển theo hướng phát triển bền vững. Điểm nhấn quan trọng nhất đối với công tác điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển là Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Theo đó, nguyên tắc “quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, đảm bảo tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo” là chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm cả quy định về bảo vệ môi trường biển cũng không ngừng được hoàn thiện trong thời gian qua.

Việc đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã được quan tâm, đầu tư tập trung, hiệu quả hơn cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, góp phần đổi mới, nâng cao trình độ quản lý công nghệ trong điều tra  cơ bản; đầu tư được một số trang thiết bị hiện đại để thực hiện điều tra ở vùng biển sâu, biển xa. Đội ngũ cán bộ làm công tác này có sự tăng cường về số lượng và chất lượng. Đồng thời, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đào tạo được một số cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, có khả năng làm chủ trong việc sử dụng những trang thiết bị, công nghệ hiện đại, có thể thực hiện các dự án điều tra ở vùng biển sâu xa bờ.

Hoạt động điều tra nghiên cứu quy mô, có tính hệ thống, tính liên kết hơn. Các số liệu, kết quả điều tra theo  quy trình, quy phạm cụ thể, nhờ vậy có độ tin cậy, đồng bộ hơn. Cụ thể là ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ viễn thám, hệ thống ra đa biển, công nghệ thông tin trong điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên, môi trường biển, nhất là những vùng biển xa bờ. Nên đã xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu kết quả điều tra tài nguyên, môi trường biển theo mô hình bán tập trung; xây dựng quy chế  quản lý,  khai thác dữ liệu phục vụ nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương  được thuận lợi hơn.

* Xác định tiềm năng, dự báo và tìm kiếm tài nguyên

Những kết quả điều tra về hải dương thời gian qua đã cung cấp hệ thống số liệu cơ bản về các yếu tố thủy hóa của nước biển, trường nhiệt muối; các yếu tố động lực sóng, dòng chảy, thủy triều, mực nước cực trị và dao động riêng…; góp phần làm sáng tỏ các mối tương tác biển khí, lục địa – biển; các quá trình sinh địa hóa,… đặc trưng cho vùng biển nhiệt đới gió mùa và kín. Các nghiên cứu đã cung cấp số liệu điều tra để làm rõ hình thái bờ biển, đáy biển và các đảo, các đặc điểm đặc trưng và lịch sử phát triển địa hình các vùng thềm lục địa, sườn lục địa và chân sườn.

Về tài nguyên sinh vật, các kết quả điều tra đã góp phần quan trọng cho những hiểu biết khá hoàn chỉnh về những đặc trưng chủ yếu của các hệ sinh thái biển Việt Nam, những đặc trưng cơ bản về đa dạng sinh học biển và một số quá trình sinh thái học, năng suất sinh học các vùng biển. Trong đó có được những đánh giá cơ bản về diễn biến tài nguyên sinh vật biển và các nguy cơ đe dọa nguồn lợi thủy sản ven bờ. Những điều tra về tài nguyên biển thời gian qua đã đánh giá được các giá trị đa dạng sinh học, đánh giá nguồn lợi cá, thủy sản ngoài cá, các nguồn lợi đặc sản, các giá trị bảo tồn tự nhiên gắn với phát triển du lịch biển. Phát hiện các dạng tài nguyên sinh vật biển mới thuộc nhóm có các hoạt tính tự nhiên phục vụ cho dược phẩm, hóa phẩm biển có triển vọng mang lại các giá trị mới lớn hơn nhiều các giá trị truyền thống.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, một trong những đóng góp quan trọng của công tác điều tra cơ bản tài nguyên biển thời gian qua là lĩnh vực nghiên cứu, giám sát và đánh giá phục vụ bảo tồn tự nhiên, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Theo đó, đã tiến hành nhiều dự án điều tra, nghiên cứu về ô nhiễm biển, bao gồm đánh giá ô nhiễm biển do sông thải ra, quá trình phân tán, tích lũy chất gây ô nhiễm trong môi trường biển, quá trình tự làm sạch và sứ tải môi trường của các thủy vực ven biển, ngăn ngừa, phòng chống và xử lý ô nhiễm biển bằng các giải pháp quản lý và công nghệ… Nghiên cứu cơ sở khoa học cho bảo tồn tự nhiên biển và phục hồi các hệ sinh thái biển, đặc biệt là việc thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển. Đề xuất thệ thống 16 Khu bảo tồn biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 742/QĐ-Ttg năm 2010. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng, phát triển một số công nghệ cao trong nghiên cứu biển và đạt được những tiến bộ đáng kể về dự báo sóng, nhiệt độ tầng mặt và sương mù trên biển; sa bồi và xói lở bờ biển; nước dâng do bão; dự báo thuỷ triều đỏ ở vùng nước ngoài khơi và các vùng nuôi tập trung ven bờ.

Các kết quả điều tra cơ bản kết hợp nghiên cứ đã góp phần quan trọng tạo ra cơ sở khoa học phục vụ xây dựng chính sách, chiến lược cho quản lý tài nguyên và môi trường biển, đảo và đặt nền móng cho quản lý tổng hợp vùng bờ biển ở Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững. Từ những tiếp cận đầu tiên hơn 10 năm trước, đến nay quản lý tổng hợp vùng bờ ở Việt Nam đã có mô hình định hướng ngày càng rõ, đó là quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất, có sự tham gia của cộng đồng, được thực hiện theo quy mô ba cấp cơ bản Trung ương, vùng và địa phương.

Hoạt động điều tra cơ bản về nghiên cứu ứng dụng triển khai theo hướng công trình biển đã tạo dựng cơ sở khoa học, từng bước triển khai công nghệ, đóng góp tích cực cho phát triển hệ thống cảng biển và bảo vệ môi trường cảng ở Việt Nam từ những kết quả nghiên cứu đánh giá sa bồi, nghiên cứu chọn các phương án luồng cảng, đánh giá môi trường cảng và kế hoạch bảo vệ môi trường cho quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển. Những đóng góp có giá trị tiêu biểu như cụm cảng cửa ngõ phía Bắc tại Hải Phòng, luồng cửa Định An và các đánh giá tác động môi trường cho nhiều dự án cảng biển như Thị Vải, Chân Mây, Vũng Áng, Nghi Sơn, Cái Lân, Hải Phòng…/.

Theo Hoàng Nam/(TTXVN)

http://biengioibiendao.vietnamplus.vn/tin-tuc/bien-dao-viet-nam-dieu-tra-co-ban-tai-nguyen-moi-truong-bien-de-phat-trien-ben-vung/FA0ACAF4-3F4C-483C-B616-E08D1F1B337C

Tệp đính kèm