Cập nhật: 13/11/2018 15:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam có đủ dư địa để đạt vượt mức chỉ tiêu thương mại Quốc hội đề ra trong năm 2019 nếu có sự quyết tâm cao hơn từ Chính phủ và doanh nghiệp.

Ngày 8/11 vừa qua, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Chính phủ về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó bao gồm tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Có thể đạt cao hơn mục tiêu đặt ra…

Đánh giá về các chỉ tiêu xuất – nhập khẩu năm 2019 mới được Quốc hội thông qua, nhiều ý kiến cho rằng đây là chỉ tiêu tương đối khiêm tốn. Việt Nam có đủ dư địa để đạt được và có thể đạt mức cao hơn so với chỉ tiêu đề ra nếu Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cùng có những bước đi và các giải pháp mang tính đột phá.

Theo TS. Trần Văn Tiến, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, với chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 tăng 7-8% là khá khiêm tốn. Bởi lẽ trong những năm qua, chỉ tiêu này đều tăng trên 10%, trong khi mục tiêu đến năm 2020 chỉ tiêu này cần tăng 10%, do vậy, cần nâng tỷ lệ này trong năm 2019 lên 9-10% là hợp lý.

“Với chỉ tiêu về tỷ lệ nhập siêu dưới 3% trên tổng kim ngạch nhập khẩu, xuất nhập khẩu cần xem xét thêm, vì 3 năm trở lại đây Việt Nam đã liên tục xuất siêu, do vậy với chỉ tiêu này nên để xuất siêu cho phù hợp với thực tiễn. Cần xem xét cách đánh giá các chỉ tiêu này và cân nhắc có nên dùng làm chỉ tiêu phấn đấu hay không”, TS. Trần Văn Tiến nêu rõ.

Nhập khẩu nguyên liệu cho phát triển năng lượng là yếu tố cần tính đến trong chỉ tiêu xuất nhập khẩu thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Liên quan đến lĩnh vực xuất - nhập khẩu nguyên liệu, giảm khai thác tài nguyên quốc gia, tác động trực tiếp đến chỉ tiêu xuất nhập khẩu năm 2019, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhận định, chỉ tiêu xuất khẩu hàng hóa nói chung và năng lượng nói riêng là bài toán cần phải được phân định rõ ràng.

Bởi trong chỉ tiêu giảm nhập siêu có liên quan đến kế hoạch từ năm 2017 – 2030, Việt Nam dự kiến phải nhập khoảng 70 triệu tấn than nhiệt năng bitum và á bitum. “Với việc nhập 70 triệu tấn than/năm về Việt Nam, TKV cho đây là một thách thức lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu xuất nhập khẩu 2019”, ông Chuẩn bày tỏ.

Đồng tình với các chỉ tiêu xuất - nhập khẩu năm 2019, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DABACO (DBC) lưu ý, để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam những năm tới, cần chú trọng hơn vai trò của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Bởi lẽ, những năm qua kim ngạch xuất khẩu của khối này là rất lớn, nhưng thực chất đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam lại ở mức khiêm tốn, nhất là ít chuyển giao công nghệ và chưa có mối liên kết với các công ty trong nước.

Chính vì thế, để tăng chỉ tiêu xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp của các doanh nghiệp FDI phải cao hơn để tương xứng với mức độ ưu đãi cao mà họ được nhận. “Cần cải tổ lại chiến lược thu hút nguồn vốn FDI chuyển giao, chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung thu hút các dự án chất lượng cao, các tập đoàn kinh tế lớn có năng lực nội địa hóa cao, mang lại hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu”, ông So nói.

Để đưa chỉ tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam lên tầm cao mới, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV TKV cho rằng, nhà nước cần đổi mới chính sách về quản lý tài nguyên, khoáng sản theo nguyên tắc thị trường, hội nhập ngay từ việc cấp giấy phép để các doanh nghiệp mỏ và khí chủ động trong vấn đề phát triển nguồn tài nguyên này.

Cùng với đó, cần bổ sung và hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản dưới luật về quản lý tiêu chuẩn phân cấp cho các doanh nghiệp than, khí có một môi trường đầu tư thuận lợi, kể cả nước ngoài và trong nước. Đặc biệt cần có cơ chế, chính sách bình đẳng giữa than nhập khẩu và than trong nước theo thông lệ quốc tế và theo giá quốc tế.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương, tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã khẳng định vị thế của mình với đóng góp lớn, ngày càng lớn hơn cho cơ cấu xuất khẩu cũng như cho nguồn thu của ngân sách nhà nước.

“Từ năm 2011, Việt Nam đã có khoảng 20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và đến nay đã đạt tới 29 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Ngoài các sản phẩm công nghiệp, các nhóm sản phẩm lớn của ngành nông nghiệp về cơ bản đã đảm bảo được thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện cho tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển sản xuất, tăng năng lực của sản xuất nông nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của đời sống nhân dân.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Tệp đính kèm