Vốn ngoại ngữ và việc thiếu kỹ năng mềm đang khiến nhiều lao động Việt Nam lúng túng khi làm việc ở nước ngoài.
Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài” do Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và báo Tiền Phong tổ chức sáng nay (13/11), nhiều đại biểu cho rằng mối gắn kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động với hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện còn nhiều bất cập.
Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài cần chất hơn lượng. (Ảnh minh họa)
Số lượng người đi xuất khẩu lao động của nước ta hiện nay nhiều nhưng chưa được đào tạo bài bản nên khả năng cạnh tranh không cao, khó thích nghi với thị trường lao động các nước.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm. Cả nước có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
Mỗi năm, người lao động thu nhập khoảng 2 tỷ USD. Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu sang các nước cũng ngày được nâng cao, từ 35% lao động qua đào tạo năm 2006 đến hiện nay là 65%.
Chuẩn nghề được nâng lên, nhưng hiện nay nhìn chung nguồn lao động Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường lao động khó tính, nhất là Nhật Bản và châu Âu. Việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao theo đơn đặt hàng của các nước vẫn còn nhiều hạn chế.
Vốn ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ mới cũng như kỹ năng mềm đang khiến nhiều lao động trong nước lúng túng khi xuất khẩu sang nước ngoài. Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, điều này một phần là do sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động với hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong nước.
“Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác tốt với các trường trong lĩnh vực này, cùng chủ động cung cấp thông tin, đào tạo và tuyển nguồn lao động cho thị trường nước ngoài. Nhưng chưa nhiều doanh nghiệp làm tốt điều này. Thứ hai, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện nay chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TPHCM mà quên đi một thị trường cực kỳ rộng lớn ở các vùng nông thôn và các tỉnh. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin, phối hợp với các trường đào tạo kỹ năng mềm và ngôn ngữ cho người lao động một số doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm tốt, nhưng mặt bằng chung vẫn chưa làm được”, ông Đào Văn Tiến nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, đã đến lúc phải siết chặt hơn chất lượng nguồn lao động xuất khẩu thông qua việc gắn kết giữa doanh nghiệp với trường nghề. Hai bên phải chủ động trao đổi thông tin, gắn kết đào tạo thì mới mong tuyển được nguồn nhân lực chất lượng cao. Thay vì chú trọng số lượng, cần tập trung vào chất lượng để nâng cao giá trị nguồn lao động cũng như thương hiệu lao động xuất khẩu Việt Nam.
Theo Mỹ Dung/VOV.VN