Lễ hội hoa dã quỳ ở Gia Lai tổ chức tại khu vực núi lửa Chư Đăng Ya- nơi được mệnh danh là thiên đường của hoa dã quỳ.
Hoa dã quỳ, loài hoa đặc trưng của Tây Nguyên đang trong những ngày khoe sắc thắm và công tác chuẩn bị cho Lễ hội hoa dã quỳ lần thứ 2 tại tỉnh Gia Lai đã cơ bản hoàn thành.
Gia Lai đang sẵn sàng chào đón du khách đến với núi lửa Chư Đăng Ya- nơi được mệnh danh là thiên đường của hoa dã quỳ.
Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ xa.
Ông Nguyễn Hữu Tý, làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã có hơn 20 năm canh tác nông nghiệp ở chân núi Chư Đăng Ya.
Ngày hôm nay, ông vừa thu hoạch xong bụi dong riềng cuối cùng để chuẩn bị vị trí phục vụ lễ hội hoa dã quỳ.
Tại đây, ông mở ra quán nước kết hợp với bán cơm lam, rượu cần và gà nướng để phục vụ du khách đến tham quan.
Lễ hội hoa dã quỳ đã từ khi được mở ra cũng đã giúp cho ông và nhiều hộ dân sinh sống ở ngọn núi lửa Chư Đăng Ya có thêm một nghề mới là phục vụ du lịch.
“Tôi sinh sống ở đây được hơn 20 năm. Gia đình tôi trước đây sản xuất nông sản, chủ yếu dong riềng, bắp, bí, lang. Từ ngày mở ra lễ hội hoa dã quỳ, cuộc sống của bà con dân làng ngày càng đi lên, điện đường trường trạm được mở ra, đường đi lối lại sạch đẹp.”
Cũng đang rộn ràng chuẩn bị để phục vụ Lễ hội hoa dã quỳ ngay dưới chân núi Chư Đăng Ya, chị Ksor H’Khal, làng Ia Gri, cho biết: Lễ hội hoa dã quỳ đã tạo ra một sự thay đổi lớn đối với bà con quanh năm chỉ quen với ruộng vườn. Bà con đã thực sự sống trong lễ hội, hòa mình vào lễ hội về loài hoa đã tồn tại cùng bà con hàng nghìn năm trên mảnh đất này.
Tại núi lửa Chư Đăng Ya, nơi sẽ diễn ra Lễ hội hoa dã quỳ lần thứ 2, các hạng mục phục vụ lễ hội đã hoàn thành.
Trên đỉnh núi, một hòn đá khắc dòng chữ “Núi lửa Chư Đăng Ya” đánh dấu tọa độ, độ cao vừa được lắp đặt.
Dưới chân núi, tại sân Nhà rông của làng Ia Gri, khu vực chính của lễ hội cũng đã thi công xong.
Một con đường mới dẫn từ chân núi lên đỉnh núi cũng vừa được mở ra nhằm tạo điều kiện để khách tham quan dễ dàng hơn trong việc chinh phục núi lửa.
Những ngày này, dù chưa chính thức đến lễ hội nhưng cũng đã có khá đông người dân, du khách đến thưởng ngoạn.
Chị Lê Thị Ngọc Hậu cùng nhóm bạn đến từ Thành phố Đà Nẵng cho biết, chinh phục ngọn núi Chư Đăng Ya là một trải nghiệm rất thú vị.
“Em có người quen ở đây và được giới thiệu là dãy núi Chư Đăng Ya rất đẹp. Em rất thích, giống như mình được hòa vào thiên nhiên.”
Hoa dã quỳ đang trong những ngày khoe sắc thắm đón du khách đến thăm.
Lễ hội hoa dã quỳ năm nay dự kiến diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 10-13/11 tại núi lửa Chư Đăng Ya.
Rút kinh nghiệm từ lễ hội lần trước, lễ hội lần này được huyện Chư Păh mở rộng cả về quy mô cũng như các chương trình, nội dung.
Tại lễ hội, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc bản địa Jarai, Ba Na sẽ được tái hiện ngay tại khu vực Nhà rông làng Ia Gri.
Ông Nguyễn Hữu Quới, Trưởng phòng Văn hóa huyện Chư Păh cho biết, không gian của lễ hội cũng được kết nối từ Núi lửa Chư Đăng Ya sang nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác trong huyện. Và tại tất cả các điểm du lịch này đều đã sẵn sàng để chào đón du khách:
“Yêu cầu đặt ra của Ban tổ chức là kết nối các điểm du lịch của huyện. Huyện Chư Păh được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng về du lịch, có những du lịch hấp dẫn. Ví dụ Thủy điện Ia Ly, làng Phung, làng Kép xã Ia Mnông, đồi chè trăm tuổi xã Nghĩa Hưng. Ngoài tập trung ở lễ hội, tại các điểm du lịch này có kết nối, các địa phương có sự chuẩn bị để đón du khách đến”./.
Theo Công Bắc/VOV.VN