Tổng cục Thống kê cho biết, trong 10 tháng năm 2018, thiên tai làm 185 người chết và mất tích, 134 người bị thương; gần 1,9 nghìn nhà dân bị sập đổ và cuốn trôi; 59,6 nghìn nhà dân bị ngập nước, sạt lở, hư hỏng và tốc mái; hơn 172 nghìn ha lúa, hoa màu bị hư hỏng. Thiệt hại do thiên tai trong 10 tháng ước tính hơn 8,8 nghìn tỷ đồng.
Người dân huyện An Phú (An Giang) thu hoạch lúa chạy lũ tháng 8-2018.Ảnh: NGUYỄN THANH
* Từ ngày 12 đến 16-11, tại tỉnh Khánh Hòa, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khai giảng khóa tập huấn "Ðánh giá nhu cầu phục hồi và tái thiết sau thiên tai". Mục đích khóa tập huấn nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng phục hồi sau thiên tai cho đội ngũ cán bộ hiện đang công tác trong lĩnh vực này.
* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia nhận định, mùa đông năm 2018-2019, nhiệt độ trung bình tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ các tháng 11-2018, tháng 3 và tháng 4-2019 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 10 độ C; tháng 12-2018 ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ; tháng 1 và tháng 2-2019 ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5 độ C. Các khu vực từ Trung Trung Bộ trở vào phía nam phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Ở miền bắc, rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12.
* Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND thành phố Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam bảo đảm nhu cầu sử dụng nguồn nước cho hạ du hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Mặc dù đang trong thời kỳ cuối mùa lũ nhưng mực nước các hồ chứa đều đang ở mức rất thấp và đã xấp xỉ mực nước chết. Do đó, tình trạng thiếu nước ở hạ du ngay trong mùa lũ năm 2018 đã và đang xảy ra với diễn biến phức tạp và khó lường. Bộ đề nghị các địa phương vận hành công trình khai thác, sử dụng nước rà soát cụ thể yêu cầu sử dụng nước dưới hạ du các hồ; chủ động xây dựng, bố trí kế hoạch, thời gian lấy nước cụ thể, phù hợp lịch vận hành của các hồ chứa nhằm sử dụng hiệu quả và tránh lãng phí nguồn nước.
* Tỉnh Quảng Trị có gần 119 km bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân, trong đó có gần 600 hộ sống trong vùng đặc biệt nguy hiểm. Giai đoạn 2018 đến 2030, tỉnh cần khoảng 1.600 tỷ đồng để ứng phó với sạt lở bờ sông; trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng bờ kè, bản đồ cảnh báo vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở và thông báo diễn biến sạt lở…
* Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Cục Thú y vừa phối hợp Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Công ty CP Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn về kỹ thuật nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho cán bộ các Chi cục Thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng và Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố.
* Nhằm chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn, tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn công tác xuống cơ sở tuyên truyền về loại bệnh dịch nguy hiểm này để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn không có nguồn gốc rõ ràng. Ðồng thời, xây dựng kế hoạch về các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh và tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường kiểm dịch động vật…
* Hiện nay, ngoài việc hướng dẫn người dân áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tỉnh Bình Ðịnh cũng đang tập trung tiêm phòng cúm gia cầm cho đàn gia cầm trên địa bàn. Ðến nay, tỉnh đã thực hiện hai đợt tiêm với gần 5,2 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm cho gần 3,9 triệu con gà và vịt; đồng thời phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi sau khi tiêm phòng.
* Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Tây Nguyên xuất hiện tình trạng rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn... gây hại nhẹ trên lúa giai đoạn trỗ đến chín; bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ gây hại cục bộ. Các tỉnh Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, dự báo thời gian tới, bệnh đạo ôn gây hại ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đòng trỗ. Bệnh phát triển mạnh khi có nắng vào ban ngày, mưa xen kẽ vào chiều tối và đêm.
* Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Lâm Ðồng có 1.454 ha cây họ cà bị nhiễm vi-rút. Ngoài ra, vi-rút cũng gây hại 150 ha hoa cúc trồng tại TP Ðà Lạt. Tỉnh đang kiểm tra, khảo sát vùng trồng cà chua tại các huyện Ðơn Dương, Ðức Trọng và vùng hoa cúc tại Ðà Lạt để xác định các loài vi-rút gây hại phổ biến, nguyên nhân lây lan. Từ đó xây dựng các quy trình xử lý phù hợp nhằm ngăn chặn, khắc phục thiệt hại cho người dân.
Theo nhandan.com.vn