Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều ngôi mộ cổ, trang sức tùy táng của cư dân Sa Huỳnh tại di tích khảo cổ Suối Chình ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Khu vực khai quật khảo cổ Suối Chình. Ảnh: NGỌC KHÔI
Trong quá trình thăm dò, khai quật và bảo tồn địa điểm khảo cổ Suối Chình, gắn với Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ đã phát hiện sáu mộ cổ gồm các loại mộ: vò, mộ nồi, mộ đất có niên đại thế kỷ I, II sau Công nguyên. Bên trong nhiều mộ cổ có đồ tùy táng là đồ trang sức hạt cườm đá, các khuyên tai, hạt cườm thủy tinh, hạt chuỗi chế tác từ vỏ tridacna (ốc tượng).
Mộ nồi của cư dân Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ phát hiện tại Lý Sơn. Ảnh: NGỌC KHÔI
“Đây là loại mộ nồi chôn úp nhau, bên trong có di cốt trẻ em được cải táng. Một số mộ có nhiều đồ tùy táng nhưng mộ khác lại không có, chứng tỏ xã hội Sa Huỳnh đã phân chia giàu nghèo", Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cho biết.
Trước đó, năm 2000 và 2005, Viện Khảo cổ phối hợp tỉnh Quảng Ngãi thực hiện khai quật tại điểm khảo cổ Suối Chình, thuộc xã An Hải, huyện Lý Sơn. Năm 2018, các nhà khảo cổ học tiếp tục thăm dò khảo cổ khai quật và và bảo tồn địa điểm khảo cổ Suối Chình.
Phác vật vòng. Ảnh: NGỌC KHÔI
Qua các lần khai quật trước đó, các nhà khảo cổ cũng phát hiện nhiều tầng văn hóa di chỉ khảo cổ Suối Chình có chứa gốm, vỏ nhuyễn thể, chủ yếu là ốc như: ốc cừ, ốc hoa, ốc nhảy, ốc xéo, ốc tai tượng, ốc đụn, sò trơn, sò gai... Dấu tích các đống vỏ nhuyễn thể do con người sử dụng ăn bỏ lại trong di chỉ cư trú đã phản ánh nguồn thủy sản từ biển là nguồn thực phẩm chính của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.
Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, bắt nguồn từ chân núi Thới Lới chảy ra biển, là nơi có rất nhiều cá Chình, nên dân gian gọi là Suối Chình. Phía đông Suối Chình là di chỉ cư trú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Từ xa xưa, cư dân Sa Huỳnh đã chọn phía nam chân núi Thới Lới và gần với nguồn suối nước ngọt để sinh sống, họ khai thác thủy sản dồi dào từ biển và nguồn rau, củ, quả từ núi.
Mặt dây chuyền bằng vỏ điệp. Ảnh: NGỌC KHÔI
“Văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn hình thành từ dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh ở đất liền. Đóng góp lớn nhất của văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn là tạo nên loại hình mới của văn hóa Sa Huỳnh mang đậm tính chất biển đảo. Vì thế, cần khoanh vùng bảo vệ, công nhận di tích cấp tỉnh, quốc gia và khai quật, bảo tồn, trưng bày tại chỗ để phục vụ phát triển du lịch”, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi kiến nghị.
ĐÔNG HUYỀN
Theo nhandan.com.vn