Việt Nam sẽ thanh toán được đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Dịch bệnh sẽ trở thành bệnh mãn tính, tỷ lệ tử vong thấp…
Người nhiễm HIV tiếp cận điều trị dễ dàng
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 50.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại qua giám sát trọng điểm; lây truyền HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới trẻ tuổi.
Thời gian qua, Việt Nam có nhiều thành tích trong việc phòng, chống HIV/AIDS do có sự thay đổi chính sách; điều chỉnh về cung cấp dịch vụ như gắn kết BHYT đối với điều trị; điều trị dự phòng trước lây nhiễm… Điều này giúp việc tiếp cận của người bệnh đối với công tác điều trị dễ dàng hơn.
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 do UNAIDS khởi xướng. Theo đó 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virut và 90% số người điều trị đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus. Đây là một trong những sáng kiến và cũng là mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra.
“Việc này phải được hoàn thành đến năm 2020 và sau đó duy trì liên tục 10 năm. Đến năm 2030, chúng ta sẽ thanh toán được đại dịch HIV/AIDS. Thanh toán không phải là không còn người nhiễm HIV, người bệnh mà thanh toán ở đây là dịch bệnh trở thành bệnh mãn tính và tần suất tỷ lệ nhiễm, tỷ lệ tử vong thấp, không phải là vấn đề nổi cộm về y tế công cộng trong cộng đồng”- ông Cảnh cho biết.
Theo ông Cảnh, thời gian tới cần đẩy mạnh mở rộng việc xét nghiệm ra cộng đồng và tiến tới tự xét nghiệm. Người nghi ngờ nhiễm HIV có thể tự xét nghiệm giống như phụ nữ tự xét nghiệm để biết mình có thai hay không? Bên cạnh đó, trong công tác điều trị, cần phải mở rộng độ bao phủ, tuyên truyền vận động giúp người nhiễm HIV sớm tiếp cận và được điều trị kịp thời. “Nếu điều trị tốt, không chỉ nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, mà còn có khả năng làm giảm khả năng lây nhiễm cho người khác”- ông Cảnh nói.
BHYT chi trả cho dịch vụ điều trị HIV
Để đảm bảo cho người nhiễm HIV duy trì việc cung cấp thuốc ARV, Chính phủ sẽ chuyển dần nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS từ nguồn lực của các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ Bảo hiểm Y tế.
Bà Ritu Singh, Giám đốc Chương trình y tế, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết, trên thế giới rất ít các quốc gia sử dụng bảo hiểm y tế để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV mà phần lớn là dùng tiền thuế để trợ cấp miễn phí điều trị cho bệnh nhân HIV.
Bà Ritu Singh, Giám đốc Chương trình y tế, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam.
“Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua Bảo hiểm Y tế để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân"- bà Ritu nói.
Đến tháng 1/2019, Bảo hiểm Y tế bắt đầu được sử dụng để chi trả cho khoảng 48.000 bệnh nhân HIV với chi phí dành cho thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm là khoảng 6 triệu USD. Trong thời gian 2-3 năm tới, Bảo hiểm Y tế sẽ là nguồn lực chính chi trả các chi phí điều trị cho toàn bộ bệnh nhân HIV có tham gia bảo hiểm y tế. Tiến tới, đưa một số dịch vụ dự phòng HIV vào gói dịch vụ y tế cơ bản được thanh toán qua bảo hiểm y tế./.
Theo Thy Hạt/VOV.VN